Thông tin chuyên ngành

Bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh giúp doanh nghiệp định hướng chuyển đổi xanh, sản xuất xanh

Bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh giúp doanh nghiệp định hướng chuyển đổi xanh, sản xuất xanh

Để thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh, bên cạnh các chính sách tài chính nổi bật về thuế, phí và các công cụ kinh tế đã ban hành, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển kinh tế xanh như: bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong định hướng chuyển đổi xanh hay chính sách khuyến khích phát triển sản xuất xanh như cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn…

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5/2024, Quốc hội dành 1 ngày để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác.

THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI XANH, PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Quốc Tuấn, đoàn Trà Vinh thống nhất cao với nội dung báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2024 do Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng yếu mang tính đột phá chiến lược để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Trong đó, đại biểu đặc biệt quan tâm đến giải pháp sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới về điện như mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, tự sản, tự tiêu, phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ.

Theo đại biểu, đây là những chính sách hiện thực hóa những cam kết của Chính phủ Việt Nam, trong đó có sự quyết tâm, trách nhiệm rất cao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong việc hoàn thiện khung pháp lý để khuyến khích phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phục vụ cho tiến trình xây dựng nền sản xuất xanh, hướng đến phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam từ Hội nghị COP 26 năm 2021 đến nay.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 29/5.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 29/5.

Đồng thời, đây cũng là những cam kết đảm bảo với các nhà đầu tư nước ngoài rằng, Việt Nam quyết tâm thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, với mong muốn thu hút các khoản đầu tư lớn hơn và chất lượng hơn trong phát triển xanh, góp phần thúc đẩy phát triển ngành năng lượng mới.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là hướng đi đúng đắn hiện nay của các quốc gia. Do vậy, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm và sớm triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển lĩnh vực này. Đây là nguồn tài nguyên có giá trị to lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tích cực phát triển sản xuất xanh, tạo ra các loại hàng hóa xuất khẩu Made in Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn môi trường của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết, từ đó tạo ra sự tăng trưởng đột biến trong kinh tế thương mại quốc tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.Hồ Chí Minh
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.Hồ Chí Minh
Thế giới cũng yêu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đảm bảo tiêu chí xanh cho nên chúng ta phải hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng sạch, nguyên liệu sạch. Đồng thời, Việt Nam phải phát triển thị trường tín chỉ carbon càng sớm càng tốt, trong đó quan tâm đến tín chỉ carbon ở khu vực nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam để giúp người nông dân có được lợi nhuận kép vừa là lợi nhuận của sản phẩm nông nghiệp, vừa là lợi nhuận từ tín chỉ carbon.

Để thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh, ngoài việc phát triển năng lượng xanh, đại biểu đề xuất, bên cạnh các chính sách tài chính nổi bật về thuế, phí và các công cụ kinh tế đã ban hành, Chính phủ cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển kinh tế xanh như: Bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất để giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong định hướng chuyển đổi xanh hay chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất xanh như cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn, giảm thuế và vay vốn lãi suất thấp.

Bên cạnh đó, cần bổ sung những chính sách với những chương trình hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh như sử dụng năng lượng tái tạo tỷ lệ cao để sản xuất ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia thị trường xuất khẩu theo các hiệp định FTA mới.

Thứ hai, Chính phủ cần quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao để có thể cạnh tranh hàng hóa xanh trên thị trường FTA quốc tế. Hiện nay nước ta có khoảng 3 triệu Việt kiều gồm các chuyên gia, trí thức ở nhiều nước phát triển trên thế giới, nếu xây dựng cơ chế thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để họ về nước đóng góp tài năng cho nền sản xuất xanh hiện đại thì chắc chắn sẽ khắc phục được hạn chế về thiếu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xanh như hiện nay.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ xanh. Chính phủ cần miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có mức phát thải thấp và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa có mức phát thải cao. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, vận động, xây dựng thói quen, lựa chọn sử dụng sản phẩm xanh, hình thành và phát triển thị trường tiêu thụ xanh.

GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH, THAM GIA TÍCH CỰC VÀO THỊ TRƯỜNG TÍN CHỈ CARBON ĐỂ TẠO LỢI THẾ

Quan tâm vấn đề phát thải khí nhà kính và tham gia thị trường carbon, đại biểu Nguyễn Thị Lan, đoàn Tp.Hà Nội, cho biết trong 12 giải pháp chủ yếu, bao trùm các lĩnh vực kinh tế xã hội của Chính phủ đề ra, giải số 4 và giải pháp số 7 đã đề cập đến phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt giảm phát thải khí nhà kính.

Theo đại biểu, đây là vấn đề quan trọng cần thiết, cần phải được quan tâm thích đáng, kịp thời, thường xuyên, giúp nông nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức của chuyển đổi xanh toàn cầu.

Nông nghiệp Việt Nam có vai trò rất quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, đã đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế đất nước nhưng lại là ngành tạo ra rác thải CO2 rất lớn.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan, đoàn Tp. Hà Nội: Cần làm rõ hơn nữa tầm quan trọng của việc giảm rác thải khí nhà kính và việc tham gia thị trường carbon.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan, đoàn Tp. Hà Nội: Cần làm rõ hơn nữa tầm quan trọng của việc giảm rác thải khí nhà kính và việc tham gia thị trường carbon.

Để tham gia cuộc cách mạng xanh toàn cầu và thực hiện cam kết NetZero về phát thải khí nhà kính, nhiều quốc gia và trong đó có những nước được coi là thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã xây dựng các hàng rào kỹ thuật giảm phát thải khí nhà kính và thuế carbon hướng tới phát triển xanh bền vững. Khoảng 30 nước trên thế giới đã triển khai tính thuế carbon.

Cụ thể như từ tháng 1/2025 Việt Nam xuất khẩu nông sản vào một số thị trường cần chứng minh hàng hóa đó không xuất phát từ việc phá rừng và từ tháng 1/2026, hàng rào kỹ thuật về phát thải carbon sẽ được áp dụng ở một số thị trường quốc tế của nông sản Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương
Rất phấn khởi là chúng ta thu được 51,5 triệu USD về tín chỉ carbon, nhưng đây là trong thị trường tự nguyện và nếu chúng ta không khẩn trương lập thị trường bắt buộc thì giá carbon trên thị trường tự nguyện hiện nay đang rất thấp, chỉ còn 10 USD, trong đó thị trường tự bắt buộc có thể là 40, 50, 60 USD, thậm chí cơ chế JCM của EU có thể lên tới 110 USD, nên có thể sẽ thiệt thòi.

Đây là một thách thức lớn đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, “nếu chúng ta không có kế hoạch và các hành động cụ thể đối với việc phát triển sản xuất nông sản Việt Nam xuất khẩu gắn với giảm phát thải khí nhà kính thì nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sẽ bị tính thêm thuế carbon của các nước, sẽ làm gia tăng giá xuất khẩu và mất lợi thế cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều quốc gia đã xây dựng hàng rào biên giới về carbon”, đại biểu Lan nhấn mạnh.

Mặc dù có những thách thức, nhưng theo đại biểu, nếu quan tâm sớm, đúng hướng, làm một cách hiệu quả, đồng bộ, có chiến lược, có kế hoạch rõ ràng để giảm phát thải khí nhà kính, tham gia tích cực vào thị trường tín chỉ carbon thì có thể phát huy lợi thế quốc gia nông nghiệp, tăng vị thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam, mang lại giá trị gia tăng cao trong sản xuất nông nghiệp và thu tiền từ tín chỉ carbon.

Đại biểu Lan cũng đánh giá cao hành động của Chính phủ đã cam kết tham gia vào cuộc cách mạng xanh cùng với các nước trên thế giới tại COP 26 và COP 28 và sẵn sàng tham gia thị trường carbon.

Để giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về giá trị to lớn cũng như việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon, đồng thời thực hiện được cam kết của Việt Nam tại COP26 và COP28, đại biểu Lan kiến nghị cần tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng của việc giảm rác thải khí nhà kính và thị trường carbon. Cùng với đó nghiên cứu sâu sắc tác động quy định của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Xây dựng chương trình nghiên cứu, các chính sách hấp dẫn để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường carbon vừa để phát triển bền vững, vừa làm gia tăng giá trị ngành nông nghiệp trên cơ sở tham khảo bài học của các quốc gia EU, Hà Lan, Hoa Kỳ,…, đại biểu kiến nghị.

Nguồn: vneconomy.vn