MXV – METALEX Việt Nam

Các quy trình chế tạo kim loại phổ biến nhất?

Các quy trình chế tạo kim loại phổ biến nhất?

Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, ngày càng nhiều sản phẩm được tạo ra từ quá trình gia công kim loại trong ngành công nghiệp cơ khí nói riêng và đời sống nói chung. Tuy nhiên, để tạo ra được những sản phẩm chất lượng cần phải trải qua một quá trình gia công rất tỉ mỉ và qua nhiều công đoạn khác nhau. Hãy cùng RX Tradex tìm hiểu các quy trình chế tạo kim loại phổ biến nhất qua bài viết dưới đây nhé!

Tìm hiểu về các quy trình chế tạo kim loại phổ biến nhất hiện nay.

Chế tạo kim loại là gì?

Chế tạo kim loại là quy trình sản xuất giúp định hình kim loại thành các bộ phận hoặc sản phẩm cuối cùng thông qua: Các quy trình gia công kim loại (bao gồm: Cắt, dập, tạo hình, gấp, hàn,…) kết hợp các thiết bị điện hay điện tử vào bộ vi xử lý, bảng mạch và cụm lắp ráp phụ cho các bộ phận điều hướng hoặc máy tính điều khiển.

cac-quy-trinh-che-tao-kim-loai-pho-bien-nhat-1.jpg

Chế tạo kim loại có ý nghĩa như thế nào?

Quá trình tạo hình kim loại thông qua các công nghệ chế tạo kim loại giúp hình thành những thiết bị máy móc hay các sản phẩm cơ khí theo yêu cầu sản xuất. Từ đó, ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau phục vụ sản xuất công nghiệp và đời sống con người. Nếu không có tạo hình kim loại sẽ không có công cụ, dụng cụ, tư liệu sản xuất,… ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành liên quan. Chính vì thế, quá trình chế tạo kim loại có vai trò quan trọng đối với kinh tế và sản xuất.

7 quy trình chế tạo kim loại phổ biến mà doanh nghiệp cần tìm hiểu.

Quá trình chế tạo kim loại bao gồm 3 phương pháp chính: Thu gọn, định hình và nối các vật liệu với nhau. Mỗi phương pháp có các quy trình cụ thể khác nhau, gồm có: Cắt, đúc, gia công áp lực và hàn,… Hiện nay, có những quy trình chế tạo kim loại phổ biến là:

Quy trình cắt gọt kim loại.

Cắt gọt kim loại tấm là quá trình loại bỏ những vật liệu thừa trên bề mặt tấm kim loại để tạo ra một bộ phận có hình dạng, kích thước như mong muốn. Có 4 phương pháp chính để gia công kim loại tấm sau:

cac-quy-trinh-che-tao-kim-loai-pho-bien-nhat-2.jpg
  • Phương pháp cắt kim loại truyền thống.
  • Phương pháp cắt kim loại bằng oxy trên máy cắt plasma.
  • Phương pháp cắt kim loại tấm bằng máy laser CNC.
  • Phương pháp cắt bằng tia nước.

Các ngành nghề và ứng dụng phổ biến của quy trình cắt:

Quy trình cắt được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: Chế tạo máy, sản xuất ô tô, nội thất xây dựng, thiết kế và sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng, linh kiện điện tử, công nghệ đóng tàu, thiết bị vật tư y tế và quân sự,… Ngoài ra, các sản phẩm ứng dụng quy trình cắt bao gồm: Máy không dệt, máy may, điện thoại, TV, thiết bị nghe nhìn, điện tử, thiết bị viễn thông, khung trang trí nội thất, bảng quảng cáo, cửa, các loại tủ kệ, phụ tùng xe máy/ô tô,…

Quy trình phay kim loại.

Theo báo cáo, quy trình phay chiếm khoảng 40%-60% trong các công đoạn gia công tại nhà máy, xưởng sản xuất. Phay kim loại là một phương pháp được sử dụng trong gia công cơ khí chính xác, để cắt gọt các mẫu phôi lớn thành chi tiết theo yêu cầu. Hoạt động pha dựa trên sự kết hợp chuyển động tịnh tiến của bàn gá và dao cụ. Sự hình thành và phát triển của quy trình này này đã mang lại nhiều lợi ích cho ngành chế tạo máy. Các phương pháp gia công phay phổ biến bao gồm:

  • Phương pháp phay thuận.
  • Phương pháp phay nghịch.

Các ngành nghề và ứng dụng phổ biến của quy trình phay:

Quy trình phay xuất hiện trong các ngành công nghiệp như: Ngành chế biến đồ gỗ, ngành gia công và sản xuất đồ gia dụng,… Bên cạnh đó, chúng cũng được ứng dụng phổ biến tạo ra các sản phẩm trong nhiều ngành sản xuất khác gồm có: Chạm khắc các họa tiết, tạo hình khuôn kim loại phức tạp, thiết bị chế tạo các phụ tùng và chi tiết máy,…

Quy trình tiện kim loại.

Quá trình tiện giúp tạo ra những đường tiện đẹp với độ chính xác cao, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Tiện là phương pháp cắt kim loại phôi nhờ chuyển động kết hợp của bàn gá di chuyển phôi và dụng cụ tiện. Các chuyển động có thể là quay tròn hoặc tịnh tiến tùy theo loại máy móc thực hiện quy trình này. Các phương pháp gia công tiện gồm có:

  • Phương pháp gia công tiện tinh.
  • Phương pháp gia công tiện thô.
  • Phương pháp gia công tiện trụ mặt trong và mặt ngoài.
  • Phương pháp gia công tiện ren ngoài và ren trong.
  • Phương pháp gia công tiện lỗ.
  • Phương pháp gia công tiện cắt đứt.
  • Phương pháp gia công tiện khỏa mặt đầu.

Các ngành nghề và ứng dụng phổ biến của quy trình tiện:

Quy trình này được ứng dụng nhiều trong ngành công nghiệp như: Cơ khí, ngành hàng không vũ trụ, hàng hải, đóng tàu, y tế,… Một số sản phẩm được sản xuất với quy trình tiện gồm: Làm các bộ phận trong ô tô/ tàu biển, các chi tiết máy, các loại động cơ máy bay, tuabin, các loại mẫu dạng tròn xoay/ hình trụ và hình tam giác,…

Quy trình chấn (uốn gấp) kim loại.

Quy trình chấn được hiểu là quá trình làm biến dạng, gập các góc hoặc uốn các cạnh của tấm kim loại. Mục đích là để bề mặt kim loại gập một góc 90 độ hoặc góc tùy ý theo mục đích sử dụng. Các phương pháp gia công chấn/ uốn gấp phổ biến, gồm có:

  • Uốn chữ V
  • Uốn cong
  • Uốn cạnh

Các ngành nghề và ứng dụng phổ biến của quy trình chấn:

Quy trình chấn được ứng dụng nhiều trong các ngành như: Ngành chế tạo máy, hàng không và công nghệ ô tô, thiết bị dân dụng, điện tử, viễn thông, công nghệ chế tạo và không gian vũ trụ,… Bên cạnh đó, một số sản phẩm được sản xuất với quy trình chấn như: Bàn ghế inox, các loại tủ inox, tủ điện, vật dụng nhà bếp hay khung vách, máy móc điện tử, khung cho ô tô/ thang máy/ tàu thuyền hoặc cửa sổ,…

Quy trình hàn kim loại.

Hàn kim loại là quá trình ghép các chi tiết với nhau bằng các mối hàn vĩnh cửu để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh sau các công đoạn gia công kim loại như: Cắt, uốn hoặc dập. Phương pháp này áp dụng nhiệt và áp suất lên mối nối để tạo thành một liên kết chắc chắn giữa các tấm kim loại. Có 3 phương pháp gia công hàn:

cac-quy-trinh-che-tao-kim-loai-pho-bien-nhat-3.jpg
  • Phương pháp hàn Mig – Mag/ hàn kim loại khí hàn (GMAW).
  • Phương pháp hàn Tig/ hàn Vonfram khí (GTAW).
  • Phương pháp hàn que hay hàn hồ quang.

Các ngành nghề và ứng dụng phổ biến của quy trình hàn:

Hàn được ứng dụng trong đa dạng ngành nghề, gồm có: Ngành công nghiệp điện, công trình xây dựng, công nghiệp chế tạo ô tô, chế tạo vũ khí quân sự, công nghiệp đóng tàu, hàng không, vũ trụ,… Ngoài ra, các sản phẩm được sản xuất với quy trình hàn như: Nối bảng mạch, dầm trục, cánh dầm, bánh răng, thiết bị hạ cánh, trục, ổ cắm, van, tay lái, khớp nối, móc,…

Quy trình đột lỗ, dập kim loại.

Đây là một phương pháp sử dụng chày và khuôn để biến tấm kim loại phẳng thành một hình dạng hoặc hoa văn cụ thể. Chất lượng của sản phẩm sẽ được quyết định bởi khuôn dập. Mỗi sản phẩm khác nhau cần các loại khuôn dập khác nhau như: Khuôn dập đơn giản, khuôn tổ hợp, khuôn đột dập liên tục, khuôn đột dập kim loại,… Các phương pháp gia công đột, dập đa dạng như:

  • Phương pháp dập nóng.
  • Phương pháp dập nguội.

Các ngành nghề và ứng dụng phổ biến của quy trình đột lỗ, dập:

Quy trình dập được ứng dụng trong các ngành công nghiệp như: Sản xuất thiết bị, xây dựng, sản xuất điện, phần cứng, dây buộc,… Bên cạnh đó các sản phẩm ứng dụng quy trình đột, dập gồm: Linh kiện máy bay, thiết bị điện tử, động cơ, thắp sáng, sản phẩm viễn thông,…

Quy trình đúc kim loại.

Phương pháp đúc kim loại dùng chế tạo sản phẩm bằng cách nung nóng kim loại đến trạng thái chảy lỏng sau đó rót vào lòng khuôn. Sau khi đông đặc trong khuôn, sẽ thu được được chi tiết có hình dạng giống với lòng khuôn. 4 phương pháp gia công đúc được ứng dụng rộng rãi như:

  • Đúc trong khuôn cát.
  • Đúc trong trọng lực (đúc trong khuôn kim loại).
  • Đúc ly tâm.
  • Đúc áp lực thấp.

Các ngành nghề và ứng dụng phổ biến của quy trình đột đúc, gia công khuôn mẫu:

Đúc được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề, bao gồm: Năng lượng thay thế, ô tô, xây dựng, ẩm thực, quốc phòng & quân sự, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp khai thác,… Những sản phẩm được sản xuất bằng quy trình đúc gồm có: Thiết bị, thân máy ảnh, vỏ bọc, động cơ, van, bánh xe hay bộ khuếch tán,…

Tổng kết.

Tùy vào nhu cầu ngành nghề cụ thể cần có những các giải pháp gia công kim loại khác nhau. Qua bài viết trên, doanh nghiệp đã có cái nhìn tổng quan về những quy trình chế tạo kim loại phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên để đảm bảo các chi tiết, sản phẩm cần gia công, sản xuất có độ chính xác cao, bền bỉ, chất lượng tốt cần ứng dụng các công nghệ chế tạo kim loại hiện đại.

Chính vì thế, doanh nghiệp có thể tham gia các Triển lãm Quốc tế hàng đầu về ngành cơ khí sản xuất như Triển lãm METALEX Việt Nam 2023, do công ty RX Tradex tổ chức. Qua đó doanh nghiệp sẽ nắm bắt được các công nghệ mới nhất ứng dụng vào quy trình gia công sản xuất giúp tăng hiệu suất, cải thiện chất lượng các sản phẩm hiệu quả. Bên cạnh đó, trong năm 2023 RX Tradex còn tổ chức các triển lãm quốc tế hàng đầu như: Vietnam Manufacturing Expo, Waste and Recycling VietnamNEPCON Vietnam, hứa hẹn là điểm đến lý tưởng để doanh nghiệp kết nối, giao thương hay tìm các các đối tác chiến lược và khách hàng tiềm năng.