WRV – Waste and Recycling Expo Việt Nam

Có bao nhiêu loại chất thải hiện nay? Và hướng xử lý?

Có bao nhiêu loại chất thải hiện nay? Và hướng xử lý?

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam phát sinh 24,5 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt và 8,1 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp [1]. Một khi lượng rác thải này không được xử lý triệt để sẽ gây ra vô số tác hại và hiểm họa cho con người. Ngoài mất vệ sinh và mỹ quan đô thị, các loại chất thải cũng như các chất độc hại khiến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hiệu ứng nhà kính gia tăng gây biến đổi khí hậu, đe dọa đến sự tồn tại của con người.

Vậy có bao nhiêu loại chất thải hiện nay? Và hướng xử lý thế nào giúp làm giảm tác động của các loại chất thải nàynó và bảo vệ môi trường? Cùng RX Tradex tham khảo bài viết dưới đây.

Có bao nhiêu loại chất thải hiện nay? Và hướng xử lý?

1. Chất thải là gì?

Quá trình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của con người tạo ra theo đó rất nhiều rác thải gồm: Các loại chất thải loại rắn, lỏng, khí. Các loại túi nilon, hộp nhựa, giấy, thực phẩm dư thừa, chất thải từ động vật hay khí thải từ nhà máy, bụi mịn, các loại rác điện tử, xây dựng, công nghiệp,… đều là chất thải.

Chất thải là gì?

2. Thực trạng của vấn đề rác thải hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới.

Theo thống kê mới nhất, mỗi năm Việt Nam thải ra 1.8 triệu tấn rác thải nhựa, thuộc top 20 quốc gia cao nhất và hơn mức trung bình [2]. Nước ta chủ yếu dùng phương thức chôn lấp (70%), chỉ 13% đốt rác thu hồi năng lượng. [3]

Xử lý rác sinh hoạt ở các thành phố lớn không chỉ là vấn đề nóng tại Việt Nam mà trên toàn cầu. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tại nhiều nước đang phát triển, việc quản lý các loại chất thải rắn có thể hao tốn tới 20-50% ngân sách, một con số đáng báo động. Lượng chất thải rắn toàn thế giới đang tăng nhanh chóng, từ hơn 3,5 triệu tấn mỗi ngày năm 2010, dự kiến lên hơn 6 triệu tấn vào năm 2025. Chi phí nhằm ứng phó với lượng rác đó cũng tăng lên, từ 205 tỷ USD trong năm 2010 lên 375 tỷ USD vào năm 2025 [3].

3. Lợi ích của việc phân loại chất thải?

Công tác phân loại rác thải rất quan trọng trong việc quản lý chất thải, có thể xem là một bước đầu để ứng dụng công nghệ xanh nhằm tái chế rác thải cải thiện môi trường. 

việc phân loại chất thải mang đến nhiều ích lợi to lớn cho cộng đồng

Hơn hết, việc phân loại chất thải mang đến nhiều ích lợi to lớn cho cộng đồng và giảm tải gánh nặng ngân sách nhà nước. Theo luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các tổ chức, cá nhân phát sinh các loại chất thải rắn sinh hoạt phải có trách nhiệm phân loại tại nguồn. Việc này sẽ mang lại nhiều tác động tích cực:

3.1. Lợi ích về môi trường.

Rác thải sau khi phân loại tại nguồn được chuyển sang công đoạn xử lý, tái chế. Việc này giúp tiết giảm lượng rác thải đem chôn gây tích tụ khí độc, rò rỉ nước rác sang nguồn nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

3.2. Lợi ích về kinh tế.

Rất nhiều lợi ích kinh tế cho các bên nhờ việc phân loại rác thải như:

  • Giảm chi phí cho việc vận chuyển, chôn lấp một lượng rác lớn.
  • Tiết kiệm thời gian, tiền bạc xử lý khí thải độc, nước rác rò rỉ vào nguồn nước ngầm.
  • Việc xử lý rác hữu cơ cũng góp phần tạo nguồn phân bón sạch dùng cho trồng trọt.
  • Tái sử dụng hoặc tái chế rác thải giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhập nguyên liệu mới vốn đắt đỏ hơn rất nhiều chi phí phân loại và xử lý chất thải.
  • Môi trường vệ sinh, xanh sạch tạo ảnh hưởng tích cực đến ngành du lịch nước nhà.

3.3. Lợi ích về xã hội.

Giúp hình thành nên ý thức giữ gìn vệ sinh, giảm tiêu xài phung phí, tiết kiệm các nguồn tài nguyên và chung tay bảo vệ môi trường sống. Các phong trào môi trường xanh sạch đẹp, các buổi tuyên truyền phân loại chất thải cũng giúp cho cộng đồng gia tăng nhận thức, giảm tải rất nhiều gánh nặng cho việc xử lý rác thải.

4. Hiện nay có bao nhiêu loại chất thải?

Có mấy loại chất thải hiện nay? Có nhiều loại rác thải khác nhau và nhiều cách phân loại dựa theo cấu trúc chất thải, nguồn gốc phát sinh, khả năng tái chế, hay theo mức độ nguy hại. Để dễ hình dung và hiểu rõ từng loại, bài viết phân chia kết hợp các loại chất thải6 loại như sau:

4.1. Chất thải rắn có thể tái sử dụng, tái chế.

Là các chất thải rắn từ mọi nguồn gốc phát sinh như: Sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất, xây dựng, văn phòng, y tế,… có thể dùng lại hoặc đem đi tái chế. Ví dụ như: Nhựa, giấy, các loại vỏ hộp sữa, linh kiện điện tử, thủy tinh, đất đá, gỗ,…

4.2. Chất thải thực phẩm, hữu cơ.

Là chất thải có thể phân hủy dễ dàng, dùng để làm phân bón hoặc giá thể cây trồng. Có thể là các thức ăn thừa, các phần bỏ đi từ rau củ quả sau khi sơ chế. Hoặc các phụ phẩm nông nghiệp như: Rơm rạ, tro trấu, vỏ dừa, bã trà, cafe,…

4.3. Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Là loại chất thải vô cơ, hiếm sử dụng lại, không thể tái chế hoặc rất khó xử lý, thường dùng đi chôn lấp. Chẳng hạn như: Túi nilon đã qua sử dụng, các bao bì thực phẩm, rác thải nhựa khác như đồ chơi em bé, ống hút nhựa, bỉm tã, băng vệ sinh,… Phải mất hàng trăm năm để phân hủy hết loại rác này, đồng thời tạo ra các hạt vi nhựa và chất độc ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người và cả thế hệ sau.

4.4. Chất thải nguy hại.

Là loại rác có chứa các chất hoặc hợp chất dễ gây hại trực tiếp cho con người như: Cháy nổ, gây ăn mòn, lây nhiễm độc, phóng xạ,… Các loại chất thải rắn nguy hại có thể kể đến như: Linh kiện điện tử, chất cadmium trong điện trở, chì, thủy ngân hoặc pin, bình ắc quy, các hóa chất hết hạn, các chất thải từ bệnh viện, vật phẩm của người bệnh,…

4.5. Nước thải.

Nước thải từ các hoạt động sống, sản xuất, các khu công nghiệp thải ra sông hoặc thấm xuống đất qua các mạch nước ngầm cũng là một nguồn chất có hại cho con người.

4.6. Bụi và các khí thải khác.

Không khí nhất là tại các thành phố lớn dày đặc bụi mịn, khói thải từ các nhà máy kèm theo các loại kim loại nặng lẫn vào. Đây là các loại chất thải dạng khí.

5.  Hướng xử lý các loại chất thải hiện nay.

Mỗi loại rác thải nếu không xử lý tốt đều gây ra những tác hại nhất định, thậm chí nguy hiểm đến cuộc sống và tính mạng con người. Hiện nay có rất nhiều phương pháp để xử lý rác thải. Có những cách thức được dùng phổ biến nhưng dần lỗi thời và không hiệu quả. Các công nghệ tái chế phổ biến cho từng loại rác thải đã được phân loại như: tái chế rác thải nhựa, tái chế pin, tái chế lốp xe cũ, công nghệ tái chế giấy,… Từ đó giúp xử lý triệt để hơn và giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trước. Trong khuôn khổ của bài, RX Tradex xin chia sẻ 9 cách sau đây:

5.1. Phân loại chất thải tại nguồn và các nơi công cộng.

Trang bị các thùng đựng các loại chất thải khác nhau tại gia đình và nơi công cộng. Ghi rõ ký hiệu và màu sắc từng thùng nhằm giúp người dân dễ dàng phân biệt và bỏ rác đúng quy cách.

Theo quy định chung, thùng màu trắng dành cho rác thải có thể tái chế. Màu xanh là chất thải thông thường. Màu đen dùng cho loại nguy hại nhưng không lây nhiễm. Thùng màu vàng cho loại vừa nguy hại vừa lây nhiễm.

5.2. Tái chế chất thải bằng phương pháp 3R.

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Trong khi chất thải hữu cơ lãng phí tới hơn 30 tỷ USD mỗi năm với gần 70% rác không được tái chế. [4]

Tái chế là cách để vừa tiết kiệm chi phí vừa biến rác thành tiền. Phương pháp 3R bao gồm:

  • Tiết giảm (Reduce): Sử dụng tiết kiệm, hạn chế dùng lãng phí vật dụng không cần thiết, nhất là các loại chỉ dùng một lần.
  • Tái sử dụng (Reuse): Kiểm tra các vật dụng xem còn sử dụng lại được không để hạn chế vứt ra môi trường.
  • Tái chế (Recycle): Cải tiến, chế tạo lại chất thải để tạo ra nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh.

5.3. Chôn lấp chất thải tại bãi rác tập trung.

Phần còn lại của rác thải sau khi đã phân chia tới các bước xử lý tiếp theo, được đem đi chôn dưới các hố sâu. Tại các nước làm tốt khâu phân loại rác và có công nghệ tái chế tiên tiến thì phần chôn lấp này rất ít. Nhưng tại Việt Nam tỉ lệ này rất cao tới hơn 70%. [2] Phương thức này rất cần hạn chế bớt vì các tác dụng ngược lại với môi trường và sức khỏe con người.

5.4. Sử dụng phương pháp nhiệt.

Chất thải được đốt trong các lò chuyên dụng sẽ chuyển thành dạng ít hoặc không gây hại. Sau đó được xử lý độc để dùng cho các mục đích khác hoặc đem chôn. Ở một số nước phát triển còn nhập khẩu rác để đốt lấy năng lượng đưa vào hệ thống sưởi như tại Thụy Điển.

5.5. Xử lý chất thải hữu cơ bằng công nghệ ủ hóa sinh học.

Dùng để xử lý các chất thải sinh hoạt, hữu cơ hoặc rác y tế không độc hại. Cách thực hiện là khử nước, ủ chất thải cho đến khi xốp, ẩm. Phương pháp này sẽ hiệu quả khi vật chất được đặt trong môi trường yếm khí, hiếu khí khiến quá trình oxy hóa diễn ra, giúp phân hủy rác thải.

5.6. Xử lý các loại chất thải rắn bằng khí hóa Plasma.

Là một trong những công nghệ đốt rác tiên tiến và tối ưu hiện nay. Phương pháp này dùng khí hóa tại nhiệt độ hơn 2000 độ C của dòng Plasma, giúp phân hủy triệt để các chất thải vô cơ và hữu cơ. Có rất nhiều ưu điểm trong công nghệ này: Không cần phân loại quá chi tiết; không bị rỉ nước do nguyên liệu được sấy khô, cắt nhỏ; dây chuyền khép kín không tạo mùi hôi,… Đặc biệt không tạo ra các chất độc hại như dioxin hay furan và cũng hạn chế tạo ra các chất SOx, NOx hay CO2 so với các cách đốt nhiệt khác.

5.7. Xử lý rác thải điện tử.

Phương pháp 3R rất hữu dụng với các rác thải điện tử.

  • Giảm việc mua mới các thiết bị liên tục.
  • Tái sử dụng lại các máy móc cũ hoặc dùng với mục đích khác.
  • Bán hoặc tặng lại cho các nơi thu gom nhằm phân rã máy để tái chế lại. Hoặc gửi đi đúng nơi có thể xử lý đúng cách các linh kiện bên trong.

Hạn chế loại thải vô tội vạ các loại rác công nghệ này ra bãi rác sinh hoạt chung gây khó khăn trong việc phân loại và tái chế lại.

Rác thải điện tử gây khó khăn trong việc phân loại và xử lý chất thải

5.8. Tái chế rác thải nhựa bằng công nghệ cao cấp.

Theo thống kê, 135 tấn rác được tái chế giúp tiết kiệm 3,5 triệu lít nước, 1,9 triệu cây xanh, 500.000 KWh, giảm 3 tấn chất làm ô nhiễm không khí và 1.300m3 đất để chôn lấp. Ngoài ra sử dụng giấy tái chế giảm được 74% ô nhiễm không khí, 35% ô nhiễm nguồn nước, dùng 30% rác tái chế mỗi năm tiết kiệm được gần 45 tỷ lít dầu và giảm được khí thải nhà kính tương đương như giảm 25 triệu ôtô chạy trên đường. [5]

Các công nghệ tiên tiến cải tạo rác nhựa đã qua sử dụng thành các sản phẩm tái chế cao cấp, chất lượng tương đương hoặc tương tự ban đầu. Việc này giúp giảm bớt lượng nhựa bị đẩy ra môi trường. Tái chế rác nhựa sẽ giúp tiết kiệm một lượng nguyên liệu rất lớn để sản xuất các thành phẩm khác, đồng thời cũng giảm chi phí cho việc xử lý các phụ phẩm.

5.9. Đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền trong mỗi gia đình và cộng đồng.

Đây là cách làm hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhiều nhất. Sẽ cần thời gian để gia tăng nhận thức của mỗi người dân nhưng kết quả sẽ rất xứng đáng. Tại các nước phát triển và nổi tiếng xanh sạch, việc giáo dục trong cộng đồng được thực hiện từ rất sớm. Chính vì thế ngay từ trẻ nhỏ đã có ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường.

Do đó cần nhiều hơn các phong trào, chương trình chia sẻ kiến thức và hiểu biết cho cộng đồng về thực trạng ô nhiễm và chung tay góp sức để khắc phục.

6. Tổng kết.

RX Tradex vừa chia sẻ thông tin về các loại rác thải hiện nay cũng như các hướng xử lý từ cơ bản ai cũng làm được đến các công nghệ hiện đại, xử lý quy mô lớn dành cho các cơ quan, đoàn thể. Việc nhận biết các loại chất thải và xử lý chất thải đã không còn là việc của riêng ban ngành nào nữa vì tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày của con người và cả thế hệ sau. Tại Triển lãm Công nghệ xử lý và Tái chế chất thải Waste and Recycling Vietnam 2023 lần đầu diễn ra vào tháng 11 tới đây sẽ cập nhật các thực trạng, xu thế mới nhất trong việc Quản lý rác thải. Ngoài ra, trong năm 2023, RX Tradex còn tổ chức thêm các Triển lãm Công nghiệp Quốc tế Vietnam Manufacturing Expo, METALEX Vietnam, và NEPCON Vietnam giúp doanh nghiệp có được nhiều lợi thế để phát triển kinh doanh mạnh mẽ.

=====================

[1] Hiện trạng rác thải Việt Nam

[2] Việt Nam top 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất

[3] Thực trạng rác thải Việt Nam và thế giới

[4] Việt Nam lãng phí 3 tỷ USD nếu do không tái chế nhựa

[5] Lợi ích của việc tái chế rác thải