Cơ hội sản xuất chip điện tử, doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị gì?
Hiện nay, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung và sự khan hiếm nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu sau đại dịch COVID-19, ngành sản xuất chip điện tử đang đứng trước những sự thay đổi vô cùng mạnh mẽ. Thực tế, thế giới đã ghi nhận nhiều khu vực mới nổi lên, đóng vai trò quan trọng trong khâu cung ứng, sản xuất chip. Trong đó, Việt Nam được xem là một điểm đến đầy tiềm năng trong lĩnh vực chế tạo chip điện tử này. Vậy, cụ thể cơ hội sản xuất chip điện tử, sự chuẩn bị doanh nghiệp Việt hiện nay như thế nào? Hãy cùng RX Tradex tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Những cơ hội cho ngành sản xuất chip điện tử tại Việt Nam phát triển
1.1. Các tập đoàn công nghệ đang đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động sản xuất chip điện tử tại Việt Nam
Hiện nay, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung chip điện tử toàn cầu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến các lĩnh vực như: Điện tử, ô tô, công nghệ y tế,… Từ đó, việc các công ty sản xuất chip điện tử hàng đầu đang tích cực tìm kiếm cơ hội mở rộng sản xuất, đặt nhiều trụ sở, nhà máy cũng như dây chuyền để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường. Và Việt Nam được xem là một trong những địa điểm đầy tiềm năng để hợp tác đầu tư, nhằm xây dựng nhà máy và đặt dây chuyền lắp ráp, chế tạo chip điện tử.
Theo báo Công Thương, tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong tháng 8 năm 2022, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung, ông Roh Tae-Moon cũng cho biết rằng hãng đang chuẩn bị sản xuất thử lưới bóng chip bán dẫn và dự kiến sản xuất đại trà sản phẩm này tại nhà máy ở Thái Nguyên bắt đầu từ tháng 7/2023. Đồng thời, công ty Samsung dự kiến khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội vào đầu năm 2023. Đây cũng là trung tâm R&D của Tập đoàn Samsung không chỉ cho thị trường Việt Nam mà còn đối với cả khu vực Đông Nam Á, hiện đã hoàn thành khoảng 85%. [1]
Ngoài ra, trước Samsung, nước ta còn có công ty Intel Products Vietnam (IPV), là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới sản xuất của tập đoàn Intel. Trong cuộc khủng hoảng chip điện tử toàn cầu, IPV không chỉ duy trì hoạt động ổn định mà còn có một số đóng góp sáng tạo, giúp thương hiệu này bù đắp sự thiếu hụt về chất bán dẫn. [1]
Từ đó cho thấy, Việt Nam trở thành khu vực hấp dẫn cho việc đặt trụ sở sản xuất chip điện tử của những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng cũng như tiếp cận các công nghệ sản xuất chip điện tử tiên tiến nhất hiện nay.
1.2. Tăng cường xuất khẩu chip điện tử sang các thị trường mới
Theo Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) nhận định, nước ta đã tiếp đón các tập đoàn công nghệ đến từ những khu vực phát triển như: Châu Âu, Đông Âu, Nga,… Qua đó, nhận được nhiều lời mời gọi xúc tiến đầu tư cũng như xuất khẩu sản phẩm điện tử (trong đó có chip bán dẫn) sang các thị trường này. [2]
Ngoài ra, sự gia tăng xuất khẩu chip điện tử của Việt Nam được hưởng lợi trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung. Các công ty bị mắc kẹt trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn đã dần dịch chuyển sang Việt Nam. Trong khi đó, các công ty tại Mỹ với mong muốn đa dạng hóa nguồn chip điện tử đã tìm đến nước ta như một nguồn cung ứng thay thế, tránh tình trạng lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Có thể nói, đây là thời điểm vàng cho doanh nghiệp Việt tận dụng để cải thiện hoạt động sản xuất chip điện tử, nhằm đáp ứng các tiêu chí chất lượng, hướng đến việc xuất khẩu sản phẩm sang các khu vực tiềm năng, trong đó nổi bật nhất là: Châu Âu, Mỹ, khu vực châu Á,…
1.3. Cơ hội cho các ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất chip điện tử
Theo báo VnEconomy, việc những hãng công nghệ lớn bắt đầu nghiên cứu và triển khai sản xuất các dòng sản phẩm chip điện tử cao cấp hơn, sẽ kéo theo một loạt các ngành công nghiệp hỗ trợ đi kèm. Đây được xem là tín hiệu tốt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa. [2]
Còn theo ông Jimmy Goodrich, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ (SIA) đưa ra nhận định rằng, Hoa Kỳ không thể tự mình khôi phục ngành công nghiệp sản xuất chip được. Nước này cần làm việc với một số đối tác quan trọng như Việt Nam để tăng thị phần của sản xuất chip, bao gồm các hoạt động như: Lắp ráp, đóng gói, gia công,… Từ đó, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để đón nhận khoản đầu tư nhiều hơn nữa, cũng như mở ra khả năng phát triển những hoạt động phụ trợ trong ngành sản xuất chip điện tử. [3]
1.4. Lĩnh vực điện tử được tạo nhiều thuận lợi bởi các chính sách và hiệp định thương mại tự do
Theo VnEconomy, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP và EVFTA,… đã tạo nhiều thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt là điện tử và sản xuất chip. [2] Việc ký kết thành công các hiệp định thương mại này sẽ tạo điều kiện để các tập đoàn công nghệ đầu tư dây chuyền, nhà máy sản xuất chip điện tử chất lượng cao vào Việt Nam.
Còn theo ông Kim Huat Ooi, phó Chủ tịch công ty TNHH Intel Products Việt Nam, ba yếu tố quan trọng nhất để thương hiệu này lựa chọn sản xuất ở Việt Nam là: Môi trường chính trị xã hội rất ổn định, Chính phủ không ngừng mở rộng các hiệp định thương mại tự do và nguồn lao động dồi dào. Qua đó, Intel đã chuẩn bị đầy đủ cho các bước tiến sâu hơn vào hoạt động và quy trình sản xuất chip điện tử tại Việt Nam, bao gồm việc đặt nhà máy, dây chuyền sản xuất cũng như đào tạo nhân sự chất lượng cao. [3]
Ngoài ra, trong thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam cũng đang cải thiện một số chính sách, hướng đến đáp ứng nhu cầu kinh doanh, cải thiện quy trình hành chính, giúp ra quyết định nhanh hơn cũng như tiếp tục đầu tư vào hoạt động bồi dưỡng nguồn nhân tài. [4] Ngoài ra, những chính sách, thủ tục hành chính về kho bãi, logistics, thuế xuất nhập khẩu cũng được nhà nước quan tâm xem xét, mở ra cơ hội vô cùng lớn cho các hoạt động giao thương nói chung và sản xuất chip điện tử, sản phẩm công nghệ cao nói riêng.
2. Doanh nghiệp Việt ngành sản xuất chip điện tử cần chuẩn bị gì trong tương lai
Đứng trước những cơ hội phát triển đối với lĩnh vực sản xuất chip điện tử trên, doanh nghiệp Việt cần chú trọng đầu tư và liên tục cải thiện quy trình vận hành, sản xuất nhằm hướng đến phát triển bền vững, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay. Cụ thể, doanh nghiệp Việt ngành sản xuất chip điện tử cần chuẩn bị những công tác sau:
2.1. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Hiện nay, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực sản xuất chip điện tử đang thực sự là một bài toán khó, cần được doanh nghiệp, các cấp chính quyền tập trung giải quyết. Theo phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, để nước ta có thể thu hút các tập đoàn công nghệ mở rộng đầu tư trong lĩnh vực điện tử, thì một trong những vấn đề cấp thiết nhất là cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các trường đại học, trung tâm đào tạo cần phải có sự liên kết chặt chẽ với tập đoàn công nghệ nhằm thực hiện giảng dạy theo đơn đặt hàng, với nội dung phù hợp với mục tiêu, dự án của doanh nghiệp. Hiện nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch của Việt Nam cũng được đánh giá cao, nhưng vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu của thị trường sản xuất chip điện tử. [1]
Qua đó cho thấy, việc đầu tư và đưa ra chính sách ưu đãi để hỗ trợ các trường đại học trong nước, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, sẽ là khâu chuẩn bị thiết yếu để phát triển hoạt động sản xuất chip điện tử. Đồng thời, các hoạt động liên kết với những tập đoàn lớn như: Samsung, Intel, Apple,… để cải thiện kỹ năng của đội ngũ nhân viên là điều cần thiết, nhằm bổ sung nguồn nhân lực tay nghề cao cho doanh nghiệp Việt.
2.2. Tận dụng tốt những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam
Nhiều chính sách và hiệp định có lợi cho doanh nghiệp Việt trong ngành điện tử và sản xuất chip đã được triển khai trong thời gian qua sẽ giúp thị trường nội địa có những bước tiến mạnh mẽ. Tiêu biểu như Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, rà soát và bổ sung các ưu đãi để khuyến khích, thu hút đầu tư vào sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên phát triển thuộc ngành công nghệ điện tử. [5]
Vì vậy, doanh nghiệp sản xuất chip điện tử tại Việt Nam cần chuẩn bị thật tốt những chiến lược phát triển trung và dài hạn, nhằm hướng đến việc tận dụng các chính sách hỗ trợ hiện nay. trong đó bao gồm: Triển khai kho bãi, xác định nguồn tài vốn đầu tư, cải thiện quy trình sản xuất, tập trung ứng dụng các công nghệ, giải pháp tiên tiến,… Tất cả cần được thảo luận và nghiên cứu kỹ càng, xác định những giai đoạn, cột mốc triển khai nhằm đưa ra chiến lược phát triển hiệu quả nhất.
2.3. Liên tục cập nhật và cải thiện các công nghệ sản xuất chip điện tử
Hiện nay, cuộc chiến về công nghệ sản xuất chip điện tử đang ngày càng diễn ra khốc liệt. Các tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ điện tử như: Intel, TSMC, Broadcom,… đã và đang đổ hàng tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và cải tiến sản phẩm. Vì vậy, để bắt kịp thế giới cũng như chuẩn bị cho những bước tiến bền vững khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt sẽ cần đầu tư cũng như liên tục cập nhật, cải thiện công nghệ sản xuất chip.
Ngoài ra, những giải pháp về môi trường cũng nên được công ty nội địa chú trọng. Bởi những tiêu chuẩn gắt gao về nền công nghiệp sản xuất xanh đã bắt đầu phủ sóng trên toàn cầu. Từ đó, tạo ra xu hướng phát triển bền vững, áp dụng những quy trình sản xuất, chế tạo thân thiện môi trường đối với nhà máy, dây chuyền công nghiệp điện tử.
3. Tổng kết.
Hy vọng, qua bài viết về cơ hội sản xuất chip điện tử, sự chuẩn bị doanh nghiệp Việt hiện nay ở trên, các đơn vị trong ngành điện tử sẽ tìm thấy những hướng đi mới, từ đó xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong tương lai. Ngoài ra, trong năm nay, doanh nghiệp mong muốn tìm hiểu thêm về các công nghệ sản xuất, thiết bị điện tử mới nhất, có thể tham gia ngay Triển lãm Quốc tế NEPCON Vietnam do công ty RX Tradex Vietnam tổ chức. Cũng trong năm 2023, RX Tradex còn tổ chức những sự kiện triển lãm hàng đầu khu vực như: Vietnam Manufacturing Expo, METALEX Vietnam và Waste and Recycling Vietnam, mang đến cơ hội giao thương, kết nối với các thương hiệu đầu ngành, đến từ nhiều khu vực hàng đầu thế giới, bao gồm: Các nước thuộc Châu Âu và Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Chú thích:
[1]: Công nghiệp sản xuất chíp điện tử – cơ hội nào cho Việt Nam?
[2]: 4 cơ hội lớn cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.
[3]: Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới.
[4]: Chip Việt mới bắt đầu cuộc đua.
[5]: Cơ hội và thách thức của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong hội nhập.