MXV – METALEX Việt Nam

Cơ hội tăng trưởng của ngành công nghiệp gia công kim loại Việt Nam

Cơ hội tăng trưởng của ngành công nghiệp gia công kim loại Việt Nam

Tốc độ phát triển lĩnh vực cơ khí trong nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam hiện nay rất sôi động. Trong đó, ngành gia công kim loại có vị trí quan trọng và được ứng dụng rộng rãi để tạo ra các sản phẩm ở nhiều lĩnh vực như: Giao thông, xây dựng hoặc chế tạo máy móc,… Hãy cùng RX Tradex tìm hiểu về cơ hội tăng trưởng của ngành công nghiệp gia công kim loại Việt Nam trong bài viết dưới dây.

1. Cơ hội tăng trưởng và xu hướng của ngành công nghiệp gia công kim loại Việt Nam.

1.1. Những con số thống kê của ngành công nghiệp gia công kim loại Việt Nam trong các năm qua.

Các thành tựu mà gia công kim loại đạt được trong những năm gần đây.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp gia công kim loại Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, cụ thể là:

  • Chế tạo thiết bị cho các công trình nhà máy thủy điện có sự chuyển biến tích cực.
  • Chế tạo giàn khoan dầu khí: Khoan thăm dò, khai thác dầu khí ở độ sâu 120m, giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước,…
  • Chế tạo thiết bị điện, thiết bị cho nhà máy xi măng, nhà máy xây dựng.
  • Sản xuất các chi tiết của tàu chở dầu, tàu chở khí hóa và tàu chở hàng,…
  • Gia công chế tạo kim loại cũng như các công nghệ chế tạo kim loại mới đã giúp doanh nghiệp nội địa tiến hành sản xuất, lắp ráp các loại ô tô, xe máy với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, điển hình là các doanh nghiệp lớn như: Vinfast, Thaco, Piaggio, Samsung, Intel, Toyota,… [1]

Những con số biết nói của ngành gia công kim loại Việt Nam:

  • Theo Bộ Công Thương, ngành gia công kim loại và cơ khí có khoảng 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động, doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. [2]
  • Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất của ngành công nghiệp gia công kim loại Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 16,5% so với năm 2021. [2] Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 0,8%; quý II tăng 1,56%). [3]
  • Linh kiện kim loại trong nước đã đáp ứng được 85 – 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy, 15 – 40% đối với ngành công nghiệp ô tô, khoảng 20% các thiết bị đồng bộ, đáp ứng 40 – 60% những loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng. Hơn nữa, lĩnh vực này còn cung ứng 10% cho các chi tiết ngành công nghiệp công nghệ cao. [4]

Ngành gia công kim loại và cán cân thương mại thặng dư trong những năm qua.

Nhập khẩu máy móc thiết bị trong năm 2022 giảm gần 2% so với năm 2021. [5] Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam ước đạt 45,8 tỷ USD, tăng 19,45% so với năm 2021. Trong đó, nước ta chủ yếu xuất khẩu máy móc thiết bị sang thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch năm 2022 ước đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng tới hơn 44% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của cả nước, tiếp đến là các thị trường: EU chiếm 12,37%; Trung Quốc chiếm 7,95%; ASEAN chiếm tỷ trọng 7,11%; Hàn Quốc chiếm 6,09%; Nhật Bản chiếm 6,03%… [6]

Ngành gia công kim loại và cán cân thương mại thặng dư trong những năm qua.

1.2. Những hạn chế của ngành công nghiệp gia công kim loại trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Về thị trường của ngành:

Ngành công nghiệp gia công kim loại đang vấp phải sự canh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài, thị trường còn bị lệ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu. Các doanh nghiệp, sản phẩm gia công trong nước gặp nhiều khó khăn trong xây dựng thương hiệu và chưa thật sự được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến. [7]

Về trình độ khoa học công nghệ:

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp ngành gia công kim loại ở mức rất thấp. Điều này cho thấy các doanh nghiệp cơ khí gặp không ít thách thức trong việc cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. [8]

Về nguyên phụ liệu:

Hiện nay, nguyên vật liệu cho ngành gia công kim loại chủ yếu là: Sắt, thép và các loại hợp kim màu,… Trong đó, hầu hết các nguyên phụ liệu này chưa khai thác được trong nước, phải phụ thuộc vào nhiều nguồn cung trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. [9]

Về nguồn nhân lực:

Một thách thức rất lớn mà ngành gia công kim loại Việt Nam đang đối diện là vấn đề thiếu nguồn nhân lực lao động, cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện tại, số thợ có tay nghề cao đạt mức thấp, lao động chuyên môn thiếu chứng chỉ nghề quốc tế và kỹ năng ngoại ngữ. Lực lượng nghiên cứu triển khai chưa đạt đủ trình độ để đáp ứng yêu cầu của các công trình, dự án về thiết bị cơ khí đồng bộ. [10]

Về nguồn vốn đầu tư:

Theo hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, việc thiếu vốn đầu tư dẫn đến nguyên nhân ngành công nghiệp gia công kim loại chậm phát triển. Các công ty, cơ sở sản xuất hiện nay đang gặp phải khá nhiều khó khăn do ngành nghề này đòi hỏi số vốn ban đầu khá lớn nhưng việc thu hồi vốn lại rất lâu do chu kỳ sản xuất dài. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều hoạt động ở mức quy mô nhỏ, lẻ theo kiểu hộ gia đình. [11]

Về sự phân bổ ngành chưa đồng nhất:

“Chỉ có khoảng 50% nhà sản xuất là chuyên chế tạo và lắp ráp, còn lại hầu hết là cơ sở sửa chữa. Sự phân tán và chưa đồng bộ trong việc đầu tư vào ngành này khiến cho việc phối hợp liên kết giữa các cơ sở không đủ mạnh để làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển toàn ngành”, theo ông Nguyễn Mạnh Quân – Trưởng Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương cho biết. [12]

Về các chính sách hỗ trợ từ nhà nước:

Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư, nghiên cứu, đổi mới công nghệ trong thiết kế, sản xuất, gia công các sản phẩm kim loại. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về lĩnh vực chế tạo cơ khí chưa thực sự hoàn thiện. [13]

1.3. Cơ hội phát triển và tiềm năng của ngành công nghiệp gia công kim loại Việt Nam.

6 cơ hội phát triển ngành gia công kim loại tại Việt Nam.

  • Tiếp cận công nghệ hiện đại: Nhờ các chương trình xúc tiến như hội chợ thương mại, triển lãm quốc tế giới thiệu những công nghệ mang tính đột phá. Giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận những thành tựu công nghệ của thế giới, thúc đẩy sự tăng trưởng và hiệu quả cho ngành công nghiệp gia công kim loại của Việt Nam. Tạo cơ hội để nước ta đón đầu các xu hướng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao trình độ, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường và cải thiện lợi thế cạnh tranh.
  • Giảm thiểu rủi ro và chi phí: Các doanh nghiệp thường lựa chọn hình thức thuê mặt bằng hoặc kho, xưởng sản xuất thay vì đầu tư vào xây dựng. Hơn nữa, hiện nay nhà nước có những chính sách trợ giá thuê, quy định giá trần. Điều này giúp doanh nghiệp và cơ sở sản xuất rút ngắn thời gian, nhanh chóng đi vào sản xuất, tránh được các rủi ro về chi phí,…
  • Các chính sách ưu đãi ngành gia công kim loại Việt Nam: Nhà nước đang quan tâm và bắt đầu tạo điều kiện, soạn thảo những chính sách hỗ trợ để phát triển ngành như: Chính sách thuế – hải quan; các chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt,… đã giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để xoay dòng vốn đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
  • Tài nguyên dồi dào, phong phú: Việt Nam có nguồn nguyên liệu kim loại như: Sắt, thép,… với trữ lượng lớn. Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên này còn ở dạng thô và đang chờ khai thác để đưa vào sử dụng.
  • Xu hướng liên kết giữa cơ khí và điện tử: Các sản phẩm cần công nghệ tích hợp giữa ngành cơ khí, điện, điện tử, công nghệ thông tin và điều khiển hệ thống đã ra đời ngành cơ điện tử.u
  • Các sản phẩm gia công kim loại ngày càng đáp ứng nhu cầu khách hàng: Những thành phẩm đạt các tiêu chuẩn về gia công kim loại như: ISO 9000, TCVN, AST, SAE, AISI,… được ứng dụng rộng rãi trong và ngoài nước, kể cả các thị trường khó tính như: Châu Mỹ Latinh, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ và các quốc gia ở Nam Á,…

Tiềm năng phát triển của ngành cơ khí nói chung và gia công kim loại nói riêng.

  • Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, nước ta hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực cơ khí trong đó có ngành gia công kim loại, chiếm gần 30% tổng số cơ sở công nghiệp chế biến, chế tạo. Mang đến cơ hội việc làm cho gần 16% tổng số lao động trong ngành và con số này dự kiến tăng hơn nữa trong tương lai. [16]
  • Theo Tổng cục thống kê, dự báo quy mô của thị trường cơ khí Việt Nam đến năm 2030 ước tính có thể đạt hơn 300 tỷ USD, [17] trong đó, ngành công nghiệp gia công kim loại cũng có những bước phát triển vượt bậc. Cụ thể, giá trị các ngành: Máy móc, thiết bị, cấu kiện cho các công trình nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản là khoảng 120 tỷ USD. Máy xây dựng, nông nghiệp và chế biến nông, lâm sản khoảng 15 tỷ USD; các loại thiết bị tiêu chuẩn như quạt, động cơ, thiết bị thủy lực khoảng 10 tỷ USD. Thiết bị đường sắt tốc độ cao khoảng 35 tỷ USD; đường sắt đô thị là 10 tỷ USD; công nghiệp ô tô là 120 tỷ USD. [18]
  • Tỷ trọng ngành cơ khí nói chung và ngành gia công kim loại nói riêng dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, ước tính chiếm khoảng 21% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng được trên 50% nhu cầu thị trường trong nước. [19]

2. Xu hướng của ngành gia công kim loại năm 2023.

  • Công nghệ in 3D: Đột phá về công nghệ in 3D kim loại giúp tăng hiệu quả năng suất, giải chi phí sản xuất chế tạo, rất phù hợp với các nước có tiềm lực kinh tế chưa cao như Việt Nam. Một số công nghệ in trên bề mặt kim loại được sử dụng ngày càng nhiều với đa dạng vật liệu như: Thép không gỉ, vàng và bạc,… giúp giảm thời gian gia công kim loại.
  • Thiêu kết Laser chọn lọc (SLS): Là kỹ thuật sản xuất bồi đắp sử dụng tia laser như nguồn năng lượng để thiêu kết vật liệu bột (như nylon/polyamide), cố định các chùm laser tự động tại các điểm trong không gian nhờ mô hình 3D. Quá trình này giúp kết nối vật liệu lại với nhau để tạo ra một kết cấu vững chắc.
  • Internet vạn vật (IoT): Công nghệ này ứng dụng hệ thống ảo – thực với tính tổng quát cao, bao gồm những công nghệ về mô phỏng các thiết bị thông minh. Mỗi chi tiết/linh kiện được nhận dạng riêng biệt trong hệ thống điện toán và có khả năng phối hợp với nhau trong cùng hạ tầng Internet hiện hữu.
  • Trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số: Công nghệ này hoạt động tốt trong các công ty chế tạo với khả năng số hóa cao. AI có thể học hỏi và thực hiện các nhiệm vụ phức tạp trong sản xuất gia công kim loại như: Kiểm tra những sai sót của thiết bị, sản phẩm lỗi, lưu trữ các số liệu trong quá trình gia công, chế tạo,…
  • Công nghệ Digital Twin (Bản sao song sinh kỹ thuật số): Là một mô hình ảo sử dụng chương trình máy tính lấy dữ liệu trong thế giới thực về những máy móc, chi tiết làm đầu vào và sau đó tạo ra các mô phỏng với  dự đoán về sản phẩm tương tự.
Xu hướng của ngành gia công kim loại năm 2023.

Đề xuất những giải pháp phát triển ngành công nghiệp gia công kim loại đổi với doanh nghiệp.

  • Đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược, giải pháp phát triển phù hợp. Từng bước ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào việc phát triển các loại nguyên vật liệu, máy móc thiết bị,…
  • Tự động hóa tối đa quy trình sản xuất, nâng cao khả năng chế tạo, giúp tiết kiệm thời gian lao động, giảm thiểu chi phí.
  • Tiếp cận, học hỏi, chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài để phát triển ngành gia công kim loại Việt Nam.
  • Chú trọng đầu tư vào sản xuất và công tác quản lý nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực của doanh nghiệp mình, áp dụng hệ thống quản trị tổng thể (ERP) giúp doanh nghiệp quản trị toàn bộ quá trình sản xuất.
  • Đào tạo nhân lực, đầu tư nâng cấp các cơ sở ngành, gắn liền việc đào tạo lý thuyết với thực hành.
  • Đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước; chủ động về nguồn vốn đầu tư để có được sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, tiếp cận tiêu chuẩn của thị trường khu vực và quốc tế.

3. Tổng kết.

Mong rằng bài viết “Cơ hội tăng trưởng của ngành công nghiệp gia công kim loại Việt Nam” giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt kịp những đổi mới và kiến thức không ngừng phát triển trong gia công kim loại nói riêng và ngành cơ khí nói chung. Và để góp phần giúp doanh nghiệp trong ngành gia công kim loại đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, giao lưu công nghệ hiện đại,… RX Tradex đã tổ chức Triển lãm METALEX Việt Nam 2023 giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. RX Tradex còn tổ chức các triển lãm quốc tế hàng đầu như: Vietnam Manufacturing Expo, NEPCON VietnamWaste and Recycling Vietnam, là một nền tảng lý tưởng cho các nhà cung cấp công nghệ từ các nơi trên thế giới.

Chú thích:

[1] Nguồn: https://smartsheetmetal.com.vn/

[2] Nguồn: https://www.gso.gov.vn/, https://vsi.gov.vn/vn/

[3] Nguồn: https://www.qdnd.vn/

[4] Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/

[5] Nguồn: https://tapchicokhi.com.vn/post/

[6] Nguồn: https://tapchicokhi.com.vn/post/

[7] Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/

[8] Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/

[9] Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/

[10] Nguồn: https://biquyetquantrisanxuat.com/

[11] Nguồn: https://www.kizuna.vn/vi/tin-tuc/

[12] Nguồn: https://www.kizuna.vn/vi/tin-tuc/

[13] Nguồn: https://soka.com.vn/

[14] Nguồn: https://soka.com.vn/giai-phap

[15] Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/

[16] Nguồn: https://nhadautu.vn/

[17] Nguồn: https://vneconomy.vn/

[18] Nguồn: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-co-khi

[19] Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/, https://via.gov.vn/linh-vuc-cong-nghiep-ho-tro/