VME – Vietnam Manufacture Expo

Cơ hội Việt Nam trước cuộc đua công nghệ sản xuất chip điện tử?

Cơ hội Việt Nam trước cuộc đua công nghệ sản xuất chip điện tử?

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới. Nếu tận dụng được các cơ hội và có sự chuẩn bị tốt thì trong tương lai, ngành công nghiệp này tại Việt Nam hứa hẹn sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao, đồng thời sẽ dần bắt kịp với mặt bằng chung trên thị trường toàn cầu và trở thành một trong những mũi nhọn chủ lực của nền kinh tế quốc gia. Hãy cùng RX Tradex tìm hiểu về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trước cuộc đua công nghệ sản xuất chip điện tử và tình hình chung của thị trường toàn cầu tại thời điểm hiện nay qua bài viết dưới đây.

1. Tổng quan cuộc đua ngành sản xuất chip điện tử.

1.1. Thị trường chip điện tử toàn cầu.

Thị trường chip điện tử trên thế giới diễn ra như thế nào? Hiện nay, Đài Loan và Hàn Quốc được xem là hai trung tâm sản xuất chất bán dẫn lớn nhất khi chiếm hơn một nửa sản lượng chip điện tử trên toàn cầu. Trong đó, tập đoàn sản xuất chip TSMC của Đài Loan là công ty lớn nhất trong ngành về quy mô và sản lượng. Ngoài ra, trong năm 2022, tập đoàn này đã thông báo việc xây dựng một siêu nhà máy thứ 2 của mình ở bang Arizona với khoản đầu tư 12 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của TSMC trên đất Mỹ lên tới 40 tỷ USD. [1]

Đài Loan và Hàn Quốc được xem là hai trung tâm sản xuất chất bán dẫn lớn nhất khi chiếm hơn một nửa sản lượng chip điện tử trên toàn cầu

Bên cạnh đó, một ông lớn trong ngành chip và linh kiện điện tử khác là Hoa Kỳ, do tập trung vào thiết kế nên đã dần tụt hậu trong kỹ thuật sản xuất và đang cố gắng bắt kịp các khu vực khác. Vì vậy, trong năm vừa qua, Mỹ đã ban hành đạo luật CHIP trị giá 52 tỷ USD, nhằm mục đích hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất chip của nước này phát triển nhanh chóng. [2]

Còn tại khu vực châu Âu, các doanh nghiệp lớn cũng đang tập trung nghiên cứu các bộ xử lý thu nhỏ, chủ yếu dùng trong ngành công nghiệp ô tô. Thời điểm hiện tại, Châu Âu đang cố gắng quay trở lại cuộc đua chip điện tử, thông qua các quan hệ đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Và để bắt kịp những đối thủ khác, Nghị viện châu Âu vừa thông qua đạo luật CHIP với số tiền đầu tư 43 tỷ euro, tập trung vào mục tiêu chính là tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn. [3]

1.2. Thị trường chip điện tử Việt Nam.

Thị trường chip điện tử tại Việt Nam hiện nay ra sao? Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Nhờ sở hữu thế mạnh sẵn có này, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng nước ta có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới trong tương lai. Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều tập đoàn công nghệ lớn như: Intel, Samsung,.. đều tuyên bố kế hoạch đẩy mạnh sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam. Trong thực tế, Việt Nam là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của Intel với tổng số vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Ước tính, nhà máy này sẽ chiếm đến 70% tổng sản lượng của Intel trên toàn cầu. [4]

Còn theo báo Tuổi Trẻ, tính đến tháng 2 năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu chip điện tử vào Mỹ đạt doanh số 562,5 triệu USD, tăng khoảng 240,8 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, đưa Việt Nam đứng hạng ba châu Á trong hoạt động xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ. [5] Từ đó cho thấy, doanh nghiệp Việt đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường sản xuất chip điện tử, đồng thời trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tổng quan cuộc đua ngành sản xuất chip điện tử.

2. Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trước cuộc đua công nghệ sản xuất chip điện tử.

2.1. Việt Nam đang là điểm đến thu hút vốn đầu tư FDI toàn cầu.

Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn được biết đến là một điểm đến hàng đầu của những tập đoàn công nghệ, với mong muốn đặt nhà máy sản xuất chip điện tử. Theo báo Công Thương, Samsung dự kiến khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội vào đầu năm 2023. Đây được xem là trung tâm R&D của tập đoàn Samsung cho cả khu vực Đông Nam Á. Trước đó, Việt Nam còn nhận được sự đầu tư của tập đoàn Intel với việc đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới của hãng. [6]

Việc nhận được sự đầu tư của các tập đoàn hàng đầu trong ngành chip điện tử đã khiến Việt Nam có những bước tiến lớn đối với cơ hội thu hút các doanh nghiệp FDI. Từ đó, doanh nghiệp Việt sẽ được tiếp cận, học hỏi những công nghệ sản xuất mới nhất trên thế giới.

2.2. Nâng cao chất lượng nhân sự cho hoạt động sản xuất chip điện tử.

Theo Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, để có thể thu hút các tập đoàn mở rộng đầu tư trong ngành công nghệ sản xuất chip, nước ta cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. [7] Trong đó, các trường đại học, trung tâm dạy nghề cần phải có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, để đào tạo nhân sự phù hợp cho mục tiêu ứng dụng công nghệ sản xuất thông minh vào chế tạo chip điện tử. Tiêu biểu như các tập đoàn công nghệ: Samsung, Apple,… đã hợp tác cùng nhiều doanh nghiệp Việt để đào tạo nâng cao tay nghề cho nhiều kỹ sư, lao động chất lượng cao. Đồng thời, các hoạt động tu nghiệp tại nước ngoài cũng được nhiều doanh nghiệp FDI chú trọng đầu tư, tổ chức hằng năm.

Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch của Việt Nam cũng nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn. Theo GS.TS. Đặng Lương Mô, Việt Nam đã thiết kế chip trong vòng 20 năm qua, với trên 2.000 kỹ sư, đủ năng lực làm việc ở thị trường quốc tế. [8] Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng các nguồn nhân lực này để giúp ngành sản xuất chip điện tử phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian sắp tới.

Nâng cao chất lượng nhân sự cho hoạt động sản xuất chip điện tử

2.3. Kết hợp với các tập đoàn hàng đầu để bắt kịp công nghệ sản xuất chip điện tử trên thế giới.

Trong thời điểm hiện tại, hai doanh nghiệp về công nghệ hàng đầu Việt Nam là Viettel và FPT cũng đang có những bước tiến rất mạnh mẽ trong việc áp dụng công nghệ sản xuất chip điện tử. Trong năm 2022, tập đoàn FPT đã công bố dòng chip bán dẫn tích hợp được thiết kế tại Việt Nam và sản xuất ở Hàn Quốc. [9] Bên cạnh đó, tập đoàn Viettel đã cùng với Qualcomm công bố nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng công nghệ 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open RAN. [10]

Từ đó cho thấy, tuy rằng các doanh nghiệp Việt mới chỉ bước đầu bắt tay vào sản xuất chip bán dẫn, bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật hiện đại nhất trên thế giới. Nhưng những điểm sáng trong nhiều năm trở lại đây, với những nỗ lực để dần bắt kịp các công nghệ sản xuất chip điện tử của hai tập đoàn hàng đầu Việt Nam sẽ là chất xúc tác, đưa nước ta sớm hội nhập thị trường toàn cầu.

2.4. Tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một cơ hội lớn của doanh nghiệp Việt trong thời điểm sắp tới trong lĩnh vực sản xuất chip điện tử là việc các quốc gia như: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản,.. bắt đầu dịch chuyển nhà máy đến các khu vực tiềm năng ngoài Trung Quốc. Điều này đến từ tác động của các chính sách kinh tế, chính trị và cuộc đua sản xuất chip bán dẫn toàn cầu. Từ đó, doanh nghiệp Việt có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực chip điện tử này.

Nếu Việt Nam giải quyết được những khó khăn trong việc đáp ứng được những tiêu chuẩn về công nghệ và nhân sự chất lượng cao, thì sẽ gia tăng cơ hội trở thành một quốc gia dẫn đầu trong khâu cung ứng sản xuất chip điện tử toàn cầu.

3. Tổng kết.

Tóm lại, thông qua bài viết “Cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trước cuộc đua công nghệ sản xuất chip điện tử”, RX Tradex hy vọng doanh nghiệp có thể hiểu được tổng quan của thị trường toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất chip điện tử và xác định rõ hướng đi trong tương lai để có sự chuẩn bị tốt nhất. Bên cạnh đó, trong năm nay, doanh nghiệp mong muốn tìm hiểu thêm về các công nghệ sản xuất thiết bị điện tử mới nhất, có thể tham gia ngay Triển lãm Quốc tế Vietnam Manufacturing Expo do công ty RX Tradex Vietnam tổ chức. Ngoài ra cũng trong năm 2023, RX Tradex còn tổ chức những sự kiện triển lãm hàng đầu khu vực như: NEPCON Vietnam, METALEX Vietnam và Waste and Recycling Vietnam được tổ chức vào năm 2024.

Chú thích:

[1]: Cuộc đua chất bán dẫn.

[2], [4]: Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip.

[3]: Thông qua Đạo luật Chip, EU sẽ huy động 47 tỷ USD đầu tư công và tư.

[5], [10]: Chip Việt mới bắt đầu cuộc đua.

[6], [7]: Công nghiệp sản xuất chip điện tử.

[8]: Việt Nam trước cơ hội trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu.

[9]: Cơ hội nào cho sản xuất chip ‘Make in Vietnam’ hiện nay – mekongasean.