VME – Vietnam Manufacture Expo

Bức tranh triển vọng trong đầu tư công nghệ sản xuất viên nén gỗ

Bức tranh triển vọng trong đầu tư công nghệ sản xuất viên nén gỗ

Trong tương lai, ngành sản xuất viên nén gỗ đang được định giá hàng tỷ USD với sự phát triển vô cùng mạnh mẽ từ các thị trường có nhu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ,… [1] Ngoài ra, các biến động trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là việc đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu tại khu vực châu Âu cũng trực tiếp khiến sản phẩm viên nén gỗ tại Việt Nam có nhiều tiềm năng mở rộng quy mô và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hơn trong tương lai. Hãy cùng RX Tradex tìm hiểu về bức tranh đầy triển vọng đầu tư công nghệ sản xuất viên nén gỗ tại Việt Nam trong bài viết dưới đây.

1. Bức tranh đầy triển vọng đầu tư công nghệ sản xuất viên nén gỗ.

1.1. Tổng quan ngành sản xuất viên nén gỗ tại Việt Nam.

Ngành sản xuất viên nén gỗ tại Việt Nam hiện nay ra sao? Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu viên nén gỗ ước tính đạt 1,85 triệu tấn, đạt mức kim ngạch gần 300 triệu USD. Trong đó, hai thị trường tiêu thụ viên nén lớn nhất của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm trên 95% tổng khối lượng xuất khẩu ra toàn thế giới. [2]

Tổng quan ngành sản xuất viên nén gỗ tại Việt Nam

Cũng theo báo cáo trên, trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng viên nén gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc đạt 0,65 triệu tấn, tương đương 96,1 triệu USD. Cụ thể, viên nén gỗ xuất khẩu đi Hàn Quốc chủ yếu làm từ loại gỗ phụ phẩm như: Mùn cưa, phụ phẩm từ gỗ rừng trồng, dăm bào, đầu mẩu gỗ thừa,… Các doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ sang Hàn Quốc phân bố phần lớn ở vùng Đông Nam Bộ, nơi tập trung các nhà máy chế biến gỗ.

Đối với Nhật Bản, báo cáo cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu viên nén gỗ vào thị trường này ước tính đạt khoảng 1 triệu tấn, tương đương 173 triệu USD. Đặc biệt, để xuất khẩu phải đảm bảo yêu cầu của đối tác về nguồn nguyên liệu gỗ phải đến từ rừng trồng trong nước, và phải có chứng chỉ FSC. Vì vậy, hầu hết sản phẩm viên nén gỗ xuất khẩu sang Nhật Bản đến từ các doanh nghiệp miền Trung trở ra phía Bắc của Việt Nam.

Tổng quan ngành sản xuất viên nén gỗ tại Việt Nam

1.2. Cơ hội phát triển ngành sản xuất viên nén gỗ trong tương lai.

Ngành sản xuất viên nén gỗ có cơ hội gì để phát triển trong tương lai? Theo nhóm nghiên cứu của Forest Trends và các hiệp hội gỗ cho biết, khủng hoảng toàn cầu do chiến tranh Nga-Ukraine làm nhu cầu về viên nén gỗ tại thị trường thế giới gia tăng rất mạnh. [3] Điều này giúp ngành sản xuất viên nén gỗ tại Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam cũng bắt đầu có tín hiệu tăng mạnh. Nguyên nhân bởi Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng sạch. Trong đó, việc sử dụng viên nén gỗ sẽ là phương án nhằm thay thế than trong sản xuất năng lượng.

Cũng theo Forest Trends, dự kiến những tháng cuối năm 2023, tình hình xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam sẽ không có nhiều biến động. Với hai thị trường chính là Hàn Quốc và Nhật Bản, sản lượng cũng như giá xuất khẩu sẽ tăng theo tình hình hiện nay. Ngoài ra, sự cạnh tranh về nguồn nguyên liệu sản xuất có dấu hiệu tiếp tục tăng bởi thị trường đầu ra cho các mặt hàng gỗ chưa có tín hiệu hồi phục. Hiện tại Việt Nam là quốc gia sản xuất viên nén lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.

1.3. Những thách thức trong việc sản xuất viên nén gỗ.

Ngành sản xuất viên nén gỗ phải đối mặt với những thách thức nào? Đi cùng với cơ hội phát triển là những khó khăn còn tồn đọng trong ngành sản xuất viên nén gỗ của doanh nghiệp Việt Nam. Tiêu biểu trong đó là thách thức vô cùng lớn về tính bền vững, ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình sản xuất công nghiệp. Nước ta cần có một chiến lược dài hạn cho việc khai thác, để đảm bảo sự phát triển của cả ngành công nghiệp chế biến gỗ. Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam, dù nước ta đang có hơn 4 triệu ha rừng trồng nhưng không thể đáp ứng đủ cho nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất cả 3 mặt hàng là: Đồ gỗ tinh chế, chế biến viên nén và dăm gỗ. [4]

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam hiện tại đang phải đối diện với sự cạnh tranh đến từ các khu vực mới nổi trong ngành như: Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Trong tương lai, doanh nghiệp trong nước cần phải cải thiện sản phẩm phù hợp với nhiều tiêu chí về môi trường, chất lượng để đảm bảo tính cạnh tranh so với những đối thủ trực tiếp này.

Còn theo VnEconomy, hiện tại giá viên nén xuất khẩu của Việt Nam khá thấp so với khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, giá xuất khẩu viên nén gỗ vào thị trường Hàn Quốc thấp là bởi cơ chế đấu giá khi mua sản phẩm. Các doanh nghiệp sau khi nhận được hợp đồng sẽ quay trở lại Việt Nam và đẩy mức giá sản phẩm xuống thấp, nhằm đáp ứng các hợp đồng mà họ đã ký kết với người mua. Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện ở Nhật mua viên nén gỗ bằng việc thỏa thuận và ký hợp đồng mua trực tiếp từ các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Và với thời gian nghiên cứu cũng như tìm hiểu thị trường từ 10-15 năm, Nhật Bản thường sẽ đưa ra mức giá cao hơn so với nhiều thị trường xuất khẩu khác. [5]

Những thách thức trong việc sản xuất viên nén gỗ

1.4. Triển vọng đầu tư công nghệ sản xuất viên nén gỗ.

Triển vọng từ việc đầu tư công nghệ sản xuất viên nén gỗ ra sao? Trong những năm qua, nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ tăng chủ yếu tại các nước phát triển như: Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,… Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành viên nén gỗ tại Việt Nam, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, nhằm hướng tới việc giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng sạch. Ngoài ra, với chính sách ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái chế của Chính phủ, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư hệ thống vận hành, đổi mới trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng những tiêu chí xanh trong quy trình sản xuất và thành phẩm đầu ra.

Bên cạnh đó, việc đầu tư công nghệ cho hoạt động sản xuất viên nén gỗ còn mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp trong nước. Các nhà máy sản xuất với công nghệ tự động hoá cùng hệ thống quản lý hiện đại sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và tăng doanh thu cho công ty.

Ngoài ra, để xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường lớn như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,… doanh nghiệp ngành viên nén gỗ cần đảm bảo rất nhiều tiêu chí về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất. Từ đó, việc tập trung đẩy mạnh đầu tư và đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất viên nén gỗ là điều thiết yếu để doanh nghiệp Việt tham gia vào những thị trường đầy tiềm năng này.

2. Tổng kết.

Trên đây là bài viết của RX Tradex về “Bức tranh đầy triển vọng đầu tư công nghệ sản xuất viên nén gỗ”. Hy vọng, doanh nghiệp đã tìm hiểu về tổng quan thị trường Việt Nam và những cơ hội, thách thức của ngành công nghiệp viên nén gỗ hiện nay. Bên cạnh đó, trong năm nay, quý doanh nghiệp mong muốn tìm hiểu thêm về các công nghệ sản xuất khác có thể tham gia ngay Triển lãm Quốc tế Vietnam Manufacturing Expo do công ty RX Tradex Vietnam tổ chức. Ngoài ra cũng trong năm 2023, RX Tradex còn tổ chức những sự kiện triển lãm hàng đầu khu vực như: NEPCON Vietnam, METALEX Vietnam và Waste and Recycling Vietnam sẽ diễn ra vào năm 2024.

Chú thích:

[1]: Sản xuất viên nén: Ngành hàng tỷ USD của tương lai.

[2]: Xuất khẩu viên nén giảm mạnh, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là hai thị trường chính của Việt Nam.

[3]: Hai thị trường xuất khẩu chủ lực của viên nén gỗ Việt Nam.

[4]: Viên nén gỗ, tương lai và thách thức – Báo Nông Nghiệp Việt Nam.

[5]: Ngành viên nén nhiều cơ hội phát triển, nhưng vẫn còn manh mún.