VME – Vietnam Manufacture Expo

Công nghiệp hỗ trợ là gì? Vai trò của ngành công nghiệp này

Công nghiệp hỗ trợ là gì? Vai trò của ngành công nghiệp này

Là một đất nước có nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam trong những năm gần đây chú trọng đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, so với một số quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta được đánh giá là chậm phát triển do chưa đáp ứng nhu cầu lắp ráp và sản xuất. Vậy công nghiệp hỗ trợ là gì? Vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ là như thế nào? Cùng RX Tradex tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Giới thiệu về khái niệm công nghiệp hỗ trợ.

1.1. Khái niệm công nghiệp hỗ trợ.

Công nghiệp hỗ trợ là gì? Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp nhằm mục đích cung cấp: Dịch vụ, phụ tùng, nguyên vật liệu, linh kiện,… cho sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh. Các hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ thường bao gồm: Cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất linh kiện, bảo trì, sửa chữa máy móc thiết bị, quản lý chất lượng, vận chuyển, hỗ trợ kỹ thuật và đảm nhận các khâu trong chuỗi cung ứng,…

công nghiệp hỗ trợ là các ngành nhằm mục đích cung cáp dịch vụ, phụ tùng, nguyên vật liệu, linh kiện

Nhờ vào nền công nghiệp hỗ trợ phát triển, các doanh nghiệp có thể tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của mình, từ đó đưa ra các chiến lược phù hợp với mô hình kinh doanh nhằm đẩy mạnh năng suất, hiệu quả trong công việc. Ngoài ra, đối với một số nước, định nghĩa về công nghiệp hỗ trợ sẽ khác nhau dựa trên đặc thù kinh tế của quốc gia đó.

Khái niệm công nghiệp hỗ trợ của một số quốc gia trên thế giới.

Thuật ngữ công nghiệp hỗ trợ được nhắc đến lần đầu tại Nhật Bản. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã lý giải khái niệm công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực chuyên cung cấp nguyên vật liệu thô, linh kiện và một số hàng hóa cơ bản cho hoạt động sản xuất, lắp ráp, bao gồm: Ô tô, điện và điện tử.

Còn theo Phòng Năng lượng Hoa Kỳ, công nghiệp hỗ trợ là những ngành sử dụng nguyên vật liệu cùng các quy trình cần thiết để định hình và chế tạo ra sản phẩm, trước khi chúng được lưu thông đến lĩnh vực ứng dụng cuối cùng.

Khái niệm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, thuật ngữ công nghiệp hỗ trợ được sử dụng khá muộn. Về cơ bản, công nghiệp hỗ trợ được áp dụng đối với các hoạt động: Sản xuất, cung cấp linh kiện, phụ kiện, phụ tùng,… cho việc lắp ráp đồng bộ, tạo ra các thành phẩm có giá trị tiêu dùng.

1.2. Các ngành công nghiệp hỗ trợ phổ biến tại Việt Nam.

Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo.

Đây là ngành công nghiệp hỗ trợ bao gồm các ngành nghề cung cấp giải pháp, nguyên vật liệu và đáp ứng nhu cầu của quy trình sản xuất, chế tạo cơ khí. Hiện nay, công nghệ được ứng dụng tại việt Nam còn đơn giản, lạc hậu, các thiết bị máy móc thiếu độ chính xác, thiếu phụ tùng thay thế, và chưa được nâng cấp đổi mới. 

Tuy nhiên, với những chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,… các doanh nghiệp Việt đang dần phát triển và bắt kịp với nền công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo toàn cầu.

Ngành công nghiệp cơ khí chế tạo cnc

Các sản phẩm trong công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo bao gồm:

  • Dịch vụ gia công cơ khí: Cung cấp dịch vụ gia công các bộ phận cơ khí như: Tiện CNC, phay, mài, hàn, gia công bề mặt và các quy trình gia công khác.
  • Thiết kế và mô phỏng sản phẩm: Cung cấp dịch vụ thiết kế sản phẩm, thiết kế khuôn mẫu, mô phỏng và mô hình hóa 3D để phát triển và cải tiến sản phẩm.
  • Dịch vụ bảo trì và sửa chữa: Cung cấp dịch vụ bảo trì, sửa chữa, và nâng cấp các thiết bị và máy móc cơ khí.

Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.

Công nghiệp phụ trợ ô tô là ngành sản xuất các sản phẩm như: Phụ tùng, phanh, đèn pha, heo dầu,… dùng để lắp ráp thành ô tô hoàn chỉnh. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp phụ trợ ô tô tại Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc, đáng chú ý như việc tự sản xuất được các linh kiện gồm: Cơ khí, dây cáp điện, nhựa, cao su,… Đây là tín hiệu tốt cho ngành công nghiệp ô tô trong nước và xuất khẩu.

Các sản phẩm trong công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô bao gồm:

  • Sản xuất linh kiện ô tô: Bao gồm các bộ phận và linh kiện như: Động cơ, hộp số, hệ thống treo, hệ thống điện, phanh, và nội thất cho các nhà sản xuất ô tô.
  • Lắp ráp ô tô: Các thương hiệu ô tô lớn trên thế giới đặt dây chuyền lắp ráp hoặc hợp tác thương mại với đối tác tại việt Nam, tiêu biểu như: Nhà máy Hyundai Thành Công, Thaco Auto,…

Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày.

Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may là tập hợp các ngành nghề sản xuất, dịch vụ cung cấp sản phẩm và giải pháp kỹ thuật cho doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dệt may. Tại Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều doanh nghiệp Việt là đối tác với các công ty đầu ngành dệt may trong khu vực cũng như trên thế giới.

Các sản phẩm trong công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may bao gồm:

  • Sản xuất nguyên liệu dệt may: Vải, sợi, chỉ may và phụ liệu khác.
  • Dịch vụ gia công dệt may: Cung cấp dịch vụ gia công, thiết kế, cắt may cho các đối tác trong ngành công nghiệp dệt may.
  • In ấn và thêu: Cung cấp dịch vụ in ấn và thêu trên các sản phẩm dệt may, tạo ra các họa tiết, hình ảnh và logo độc đáo.

2. Vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ.

2.1. Trở thành ‘bệ đỡ’ cho sự phát triển của sản xuất công nghiệp.

Ngày nay, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò nền tảng, tạo cơ sở vững chắc cho sản xuất phát triển mạnh mẽ, bằng cách cung cấp các sản phẩm như: Nguyên vật liệu, thiết bị máy móc hỗ trợ sản xuất, bộ phận, phụ tùng, linh kiện điện tử,…. từ đó cải thiện chất lượng đầu ra.

2.2. Giúp doanh nghiệp hoạt động theo hướng chuyên môn hóa.

Hiện nay, các doanh nghiệp tại nhiều quốc gia phát triển đều đang hoạt động theo xu hướng chuyên môn hóa, tập trung vào các công đoạn sản xuất, lắp ráp nhằm tạo ra sản phẩm hoàn thiện cuối cùng. Bằng việc liên kết với nhiều đơn vị cung cấp nguyên vật liệu, hỗ trợ chuỗi cung ứng, doanh nghiệp dần tập trung vào điểm mạnh nhất của mình nhằm cải thiện sản phẩm và nâng cao hiệu suất công việc.

2.3. Tạo cơ sở để doanh nghiệp hội nhập nền công nghiệp quốc tế.

Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đang đóng vai trò then chốt trong hệ thống sản xuất chuyên môn hóa trên thế giới. Các tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư rất nhiều cho chuỗi cung ứng sản xuất và sử dụng ngành công nghiệp hỗ trợ như một mắt xích liên kết toàn bộ hoạt động kinh doanh, thương mại. Từ đó, doanh nghiệp ở các nước đang phát triển sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng này, bằng việc tập trung vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đóng vai trò đối tác và cung cấp các sản phẩm như: Nguyên vật liệu, linh kiện,… cho nền kinh tế toàn cầu.

2.4. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Trong tương lai, các thế mạnh của một nước đang phát triển như: Nguồn nhân công giá rẻ, chính sách thuế hợp lý,… sẽ không còn là yếu tố hàng đầu hấp dẫn với những tập đoàn nước ngoài. Thay vào đó, xu thế ngày nay các tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư sẽ chú trọng hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà máy ở những khu vực có thể tận dụng được một ngành công nghiệp hỗ trợ tốt, đáp ứng được nhu cầu mua sắm linh kiện hay dễ dàng đặt hàng các chi tiết phục vụ cho dây chuyền sản xuất.

 ngành công nghiệp hỗ trợ là cơ hội kết nối với doanh nghiệp quốc tế

Ngoài ra, các công ty hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa cũng không phải mất phí tổn và thời gian về nghiên cứu phát triển, do công đoạn này đã được các tập đoàn đầu tư, các công ty đa quốc gia thực hiện. Từ đó, các công ty nhỏ trong ngành công nghiệp hỗ trợ có thể thay đổi mẫu mã, đổi mới quy trình sản xuất nhanh chóng, ứng phó linh hoạt với biến động của thị trường quốc tế.

2.5. Thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ.

Ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ có tác động tích cực đến việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất. Bởi vì đặc trưng của ngành công nghiệp này là thay đổi để phù hợp với xu hướng chung trên thị trường, qua đó lực lượng lao động có cơ hội được tiếp xúc, học hỏi, nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó, nhân công lao động ngành công nghiệp hỗ trợ cần được khuyến khích phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới.

2.6. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Hầu hết các quốc gia đang phát triển đều hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi vậy đối với một quốc gia như Việt Nam, ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò không thể thay thế và hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề việc làm cho nhân công giá rẻ, tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế và tiết kiệm được chi phí nhập khẩu các linh kiện, chi tiết sản phẩm từ nước ngoài.

3. Thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

3.1. Tổng quan thị trường công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Ở nước ta, một số ngành công nghiệp như: Lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất điện tử, dệt may,… đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Theo số liệu cung cấp từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, linh kiện, thiết bị và dụng cụ phụ tùng máy móc của nước ta chiếm 93,5% (2 tháng đầu năm 2022). [1]

Sự chênh lệch lớn giữa các nhà cung cấp linh kiện trong và ngoài nước khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong ngành công nghiệp ô tô, để có thể lắp ráp một thành phẩm hoàn thiện, doanh nghiệp phải dùng 20.000 – 30.000 chi tiết linh kiện. Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam mới chỉ sản xuất được tổng cộng 287 chi tiết và cụm chi tiết. [2] Hay trong ngành cơ khí chế tạo, tình trạng thiếu phụ tùng thay thế tác động nghiêm trọng đến quá trình nhiệt luyện gia công kim loại. Thành phẩm cuối cùng được hoàn thiện không đảm bảo độ chính xác, chất lượng vật tư thấp, tỷ lệ chế phẩm cao. Hệ quả là doanh nghiệp Việt phải gánh chịu chi phí sản xuất lớn, giá bán thấp, không thể cạnh tranh được so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, với những thực trạng đáng chú ý trên, Việt Nam vẫn có những doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Tiêu biểu là 3 doanh nghiệp lớn hàng đầu Việt Nam, bao gồm: Thaco, Hyundai Thành Công và VinFast đã chủ động đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô và dây chuyền sản xuất, trang thiết bị hiện đại. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã dần chú trọng đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ và hứa hẹn sẽ có những bước tiến dài trên trường quốc tế trong tương lai.

3.2. Cơ hội phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Trong nhiều năm vừa qua chính phủ nước ta liên tục ban hành các chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ, tập trung chủ yếu vào các khâu sản xuất nguyên liệu đầu vào. Các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp cũng liên tục sản xuất thử nghiệm các sản phẩm như: Linh kiện, phụ tùng máy móc,… Bên cạnh đó Chính phủ cũng ban hành nghị định, chính sách có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ như: Linh kiện ô tô, điện, điện tử, dệt may, da giày…

Việc thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp do chính phủ ban hành là cơ hội tốt để nước ta có thể cải thiện năng lực sản xuất nguyên vật liệu đầu vào, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, đẩy mạnh sự phát triển ổn định của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tổng kết.

Hy vọng, qua bài viết trên, RX Tradex đã cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về khái niệm “công nghiệp hỗ trợ là gì? Vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ là như thế nào?” Ngoài ra, quý doanh nghiệp muốn tìm hiểu thêm về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, hãy tham gia ngay sự kiện Triển lãm Quốc tế Vietnam Manufacturing Expo được tổ chức bởi công ty RX Tradex Vietnam. Và cũng trong năm nay, một số sự kiện triển lãm nổi tiếng khác được RX Tradex tổ chức là: NEPCON Vietnam, METALEX Vietnam và Waste and Recycling Vietnam.

Chú thích:

[1]: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/03/tong-kim-ngach-xuat-nhap-khau-hang-hoa-tang-manh-dau-hieu-san-xuat-phuc-hoi/

[2]: https://bnews.vn/sau-30-nam-cong-nghiep-ho-tro-o-to-san-xuat-duoc-bao-nhieu-chi-tiet/213271.html