VME – Vietnam Manufacture Expo

Triển vọng của công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam trong tương lai

Triển vọng của công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam trong tương lai

Hiện nay, Việt Nam đang là một trong các nước có tốc độ phát triển kinh tế công nghiệp nhanh nhất. Trong đó, công nghiệp hỗ trợ luôn là một điểm sáng hàng đầu, đóng vai trò mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế nước nhà. Trong bài viết hôm nay, cùng RX Tradex tìm hiểu về triển vọng phát triển của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong tương lai nhằm hoạch định chiến lược phát triển bền vững.

1. Tổng quan công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Hiện nay, việc đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ đang được các doanh nghiệp thúc đẩy mạnh, hướng đến tự chủ nguyên liệu đầu vào, giảm tình trạng phụ thuộc nhập khẩu. Theo Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. [1]

Nhìn chung, nền công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực sản xuất như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy, xe ô tô, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện & nguyên vật liệu nhựa – cao su,… Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ này đã mang về doanh thu lớn cho nền kinh tế quốc gia và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. 

Triển vọng của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, tiêu biểu có các công ty, tập đoàn như: Viettel, Vingroup, Thaco, Thành Công, Hòa Phát,… Những doanh nghiệp trên đã tạo nền tảng cho ngành công nghiệp hỗ trợ nước nhà phát triển, giúp nền kinh tế Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

1.1. Những thành tựu về công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã đạt được.

Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đang được các cơ quan ban ngành cũng như doanh nghiệp chú trọng đầu tư phát triển, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực như: Dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến,… Từ đó, công nghiệp hỗ trợ dần tạo tiền đề cho việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ngoài ra, Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây cũng ghi nhận những cột mốc đáng chú ý trong nền công nghiệp hỗ trợ, tiêu biểu như:

  • Tính đến năm 2023, 4 nhà máy tại Việt Nam mang lại gần 71 tỷ USD cho Samsung, chiếm 30% tổng doanh thu của tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc này. Đây là tín hiệu khởi sắc cho nền công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khi đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất thiết bị di động, điện thoại thông minh. [2]
  • Toyota cũng là một trong những công ty đặt niềm tin vào các doanh nghiệp Việt Nam khi có tổng cộng 5 nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp phụ trợ trong năm 2020 (chiếm tỷ lệ 15,15%). [3]
  • Năm 2019, thương hiệu ô tô VinFast xuất hiện, đánh dấu sự chuyển biến của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam về tự chủ đầu tư, sản xuất và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sau 30 năm chỉ làm lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa thấp, công nghiệp phụ trợ ngành ô tô đang vươn lên vị thế mới. [4]
  • Trong quý I năm 2023, theo số liệu từ Tổng Cục Hải Quan, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa với tổng trị giá đạt 74,49 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, các nhóm hàng ngành công nghiệp hỗ trợ đã giảm nhẹ trọng lượng nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước. [5] Điều này thể hiện rõ sự phát triển vượt bậc của hệ thống sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước, đang dần đáp ứng được nhu cầu nội địa.

1.1. Những khó khăn, thử thách cho công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Bên cạnh những phát triển về công nghiệp hỗ trợ trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, một vài vấn đề phải kể đến như:

  • Cạnh tranh với nhiều quốc gia trên thế giới: Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác trong khu vực và trên toàn thế giới. Do đó, các doanh nghiệp phải nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất và quản lý chi phí để giảm giá thành và cạnh tranh hiệu quả.
  • Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao: Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật và quản lý. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và năng suất.
  • Khó vận hành chuỗi cung ứng: Các doanh nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa và quản lý chuỗi cung ứng do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ.
  • Thủ tục hành chính và pháp lý phức tạp: Các doanh nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thủ tục hành chính phức tạp và quy định pháp lý khó khăn khi hoạt động kinh doanh. Điều này ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và năng suất của các doanh nghiệp.

2. Triển vọng phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong tương lai.

2.1. Nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ đang được triển khai tại Việt Nam.

Với sự đầu tư lớn từ nước ngoài và nền kinh tế khởi sắc trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đang là điểm sáng để các tập đoàn lựa chọn xây dựng nhà máy, khu công nghiệp sản xuất. Từ đó, nền công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được hưởng lợi bằng cách tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất của các tập đoàn hàng đầu này. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã bắt đầu liên kết và triển khai nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất ngày một tăng cao tại Việt Nam. Hai dự án công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu có thể kể đến như:

khu công nghiệp hỗ trợ Bình Dương
  • Khu công nghiệp hỗ trợ Bình Dương: Đây là khu công nghiệp hỗ trợ lớn nhất tại Việt Nam, sở hữu diện tích hơn 1.000 ha và hơn 200 nhà máy đang hoạt động. Tại đây tập trung vào các lĩnh vực như: Điện tử, cơ khí, chế tạo máy,…
  • Khu công nghiệp hỗ trợ Hòa Khánh: Là một dự án quy mô lớn của Đà Nẵng, được xây dựng với mong muốn thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời tạo ra việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố. Với diện tích lên đến 1.100 ha, khu công nghiệp này tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn gồm: Cơ khí, điện tử, chế tạo máy,….

Ngoài hai dự án trên, Việt Nam cũng đang triển khai nhiều khu công nghiệp hỗ trợ khác ở toàn quốc, bao gồm các khu công nghiệp: Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và nhiều địa phương khác.

2.2. Chính phủ Việt Nam tạo nhiều thuận lợi để phát triển nền công nghiệp hỗ trợ.

Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần đề ra kế hoạch phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ trên toàn quốc tại nhiều địa phương khác nhau. Các khu công nghiệp này được thiết kế để cung cấp một môi trường tiên tiến và thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản xuất. Ngoài ra Chính phủ cũng đã đề ra kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hỗ trợ giao thương, vận chuyển hàng hóa. Các dự án đầu tư như: Phát triển hạ tầng giao thông, cung cấp điện, nước, và các dịch vụ khác.

Đồng thời, Việt Nam cũng đang thúc đẩy các chương trình đào tạo và phát triển nhân lực để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp hỗ trợ, gồm có: Đào tạo kỹ năng chuyên môn, năng lực quản lý, chuyển giao công nghệ,… Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hỗ trợ như vốn đầu tư, thuế nhằm kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ.

2.3. Chi phí đầu tư công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam thấp hơn so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có chi phí đầu tư thấp hơn khi so sánh với mặt bằng chung trên thế giới, bao gồm: phí nhân công, thuê đất, vận chuyển và một vài chi phí khác. Ngoài ra, kết hợp với những nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, nền công nghiệp hỗ trợ được tập trung phát triển và nhận được nhiều ưu đãi về chi phí như: Thuế, phí vận chuyển, phí xuất nhập khẩu nguyên vật liệu,… Điều này thúc đẩy Việt Nam trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp hỗ trợ.

ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhận được nhiều sự đầu tư từ chính phủ

2.4. Việt Nam sở hữu vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương sản xuất.

Việt Nam sở hữu vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi cho giao thương, nằm gần các nước phát triển như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á khác. Từ đó, các doanh nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các thị trường lớn và đầy tiềm năng. Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều cảng biển lớn, giúp việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu ngành công nghiệp hỗ trợ cực kỳ thuận lợi. Từ đó, Việt Nam dần thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng sản xuất trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc luân chuyển hàng hóa và tạo tiền đề không nhỏ cho việc phát triển nền công nghiệp hỗ trợ.

3. Tổng kết.

Qua bài viết trên của RX Tradex, có thể thấy rằng Việt Nam đang có triển vọng phát triển công nghiệp hỗ trợ vượt bậc, với nhiều ưu thế như: Chi phí đầu tư thấp, đội ngũ lao động có kỹ năng, Chính phủ hỗ trợ nhiều chính sách hợp lý,… Từ đó, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư trong và nước đối với lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Và trong năm 2023 này, quý doanh nghiệp mong muốn tìm hiểu thêm về những xu hướng mới nhất trong công nghệ, thiết bị và công nghệ sản xuất, có thể tham gia ngay những sự kiện triển lãm được RX Tradex Vietnam tổ chức như: NEPCON Vietnam, METALEX Vietnam, Vietnam Manufacturing Expo và Waste and Recycling Vietnam.

Chú thích:

[1], [3], [4]: Thực trạng và giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ việt nam.

[2]: 4 nhà máy tại Việt Nam đem về cho Samsung hơn 70 tỷ USD

[5]: Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 5 và 5 tháng năm 2023