Thông tin chuyên ngành

Đề cao vai trò của chính sách và nghị định quản lý chất thải

Đề cao vai trò của chính sách và nghị định quản lý chất thải

Vấn đề quản lý chất thải trong những năm qua luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất. Sau sự việc chấn động của Formosa 2016, vấn đề này càng được quan tâm hơn nữa.

Mỗi doanh nghiệp sản xuất cần phải đề cao vai trò của chính sách và quy định quản lý chất thải hơn nữa nhằm bảo vệ môi trường sống trong sạch cho cộng đồng, đặc biệt là các hộ dân sinh sống gần các khu công nghiệp.

1. Quản lý chất thải là gì?

Căn cứ tại Khoản 15 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường được ban hành ngày 23/06/2014 thì “Quản lý chất thải là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.”

Hiện nay, chúng ta có thể nhận biết và phân loại chất thải như sau:

  • Theo mức độ nguy hại: Chất thải không nguy hại và chất thải nguy hại. Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc, hoặc có đặc tính nguy hại (theo Luật Bảo vệ môi trường 2014).
  • Theo nguồn gốc phát sinh chất thải: Chất thải rắn từ sinh hoạt và dịch vụ, chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp, chất thải y tế.

Căn cứ theo Điều 7 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì những hành vị bị nghiêm cấm liên quan đến việc xả thải rác ra ngoài môi trường bao gồm:

  • Vận chuyển, chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
  • Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.
  • Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật.
  • Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
  • Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
  • Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.

2. Chính sách về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải

2.1. Khi chất thải chính là tài nguyên

Chất thải chính là một nguồn tài nguyên hữu dụng và cần phải được tận dụng một cách tối ưu nhất để nhằm đem lại nhiều lợi ích trong sản xuất và bảo vệ môi trường sống của chúng ta bởi chất thải ở lĩnh vực này có thể sẽ là nguyên liệu sản xuất cho lĩnh vực khác.

Vì thế, việc phân loại, phân định rác thải vô cùng quan trọng, sẽ giúp cho chúng ta xác định được đâu là chất thải sẽ trở thành nguyên, nhiên vật liệu cho các hoạt động sản xuất khác. Quá trình này còn giúp cho việc thúc đẩy tuần hoàn, tái chế cũng như tái sử dụng chất thải.

Để làm được điều đó, các Bộ, ban ngành cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về việc quản lý chất thải, hợp chuẩn, hợp quy việc sử dụng chất thải để làm nguyên liệu sản xuất. 

Quy định cụ thể và rõ ràng trách nhiệm của các chủ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ quan, tổ chức, phát sinh CTR công nghiệp thông thường, hộ gia đình và cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt cần phải có trách nhiệm phân loại các CTR tại nguồn. Việc này sẽ giúp công tác tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý một cách thuận tiện và dễ dàng hơn.

2.2. CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân

Các quy định đã được đưa ra trong việc phân loại và quản lý chất thải trong sinh hoạt thành 04 loại bao gồm: chất thải rắn có khả năng tái chế (như giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh …), chất thải thực phẩm (như thức ăn thừa, rau, củ, quả, thực phẩm thừa khác …), chất thải cồng kềnh, chất thải rắn thông thường khác.

Trong dự thảo Luật mới đây cũng đã đưa ra các quy định rõ ràng về trách nhiệm đóng góp, hỗ trợ một phần kinh phí trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt theo nguyên tắc dựa trên khối lượng chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt hằng ngày.

Ngoài ra, cũng thúc đẩy việc phân loại đối với các loại CTR có khả năng tái chế bằng cách đưa ra tiêu chí, nếu như bạn phân loại và quản lý chất thải theo đúng quy định thì sẽ không phải nộp các chi phí liên quan đến thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Bên cạnh đó, dựa trên cơ sở học tập kinh nghiệm ở các nước đi đầu trong việc xử lý và quản lý chất thải trên thế giới.

Trong dự thảo Luật cũng đưa ra các quy định “bắt buộc” với mục đích thúc đẩy người dân tích cực trong việc phân loại chất thải rắn trong sinh hoạt. Như việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cần phải mua túi, bao bì, thiết bị chứa đối với CTR sinh hoạt. Và quy định rõ ràng các tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển có quyền được “từ chối” việc thu gom, vận chuyển đối với những hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTR sinh hoạt theo quy định.

2.3. Công nghệ xử lý CTR sinh hoạt hiện nay

Trong dự thảo Luật mới đây cũng đã đưa ra các quy định công nghệ xử lý CTR sinh hoạt cần phải được thẩm định, sử dụng các công nghệ tiên tiến, đảm bảo tính thân thiện với môi trường. Và hiện nay, công nghệ được đánh giá tốt nhất (BAT) phải được áp dụng các công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng.

de-cao-vai-tro-cua-chinh-sach-va-nghi-dinh-quan-ly-chat-thai-3.jpg

Đặc biệt, hạn chế tối đa và không khuyến khích sử dụng các công nghệ chôn lấp CTR trong sinh hoạt, ngoại trừ các trường hợp đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định. Việc này nhằm mục đích hạn chế và khắc phục tình trạng sử dụng công nghệ chôn lấp cũng như gia tăng tiêu chí bảo vệ môi trường trong quá trình xử lý và quản lý chất thải.

2.4. CTR công nghiệp thông thường

Dự thảo Luật cũng có đề cập đến việc xử lý và quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường. Cụ thể, quy định các tổ chức, cơ sở phát sinh CTR công nghiệp thông thường phải có trách nhiệm phân loại ngay tại nguồn để tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý hoặc chuyển giao cho các cơ sở có chức năng phù hợp. Để tái chế, tái sử dụng cũng như thu hồi năng lượng một cách có quy trình.

Các cơ quan, tổ chức, hoặc cơ sở có phát sinh CTR công nghiệp thông thường với khối lượng từ 300kg/ngày trở xuống được phép lựa chọn hình thức quản lý CTR sinh hoạt như quy định theo hộ gia đình, cá nhân.

Ngoài ra, thì dự thảo Luật còn quy định rõ về việc phân loại CTR công nghiệp thông thường bao gồm CTR thông thường phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt, văn phòng, sản xuất nông nghiệp, y tế, xây dựng và từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác.

2.5. Xử lý chất thải nhựa

Nhằm giải quyết và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa đang gây ra. Đây là một vấn đề vô cùng cấp bách hiện nay.

Và trong dự thảo Luật mới đây đã bổ sung cũng như cụ thể hóa các quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa. Cụ thể như sau:

  • Quy định các tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải nhựa tuyệt đối không được thải bỏ trực tiếp ra môi trường tự nhiên
  • Tất cả cần có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải nhựa một lần và túi ni lông khó phân hủy theo quy định của các cơ quan chức năng để bảo vệ và cải thiện môi trường tự nhiên
  • Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt cũng như sản xuất.

Nhà nước khuyến khích người dân sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng và các công trình giao thông. Đầu tư và xây dựng một cơ sở dữ liệu tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa quốc gia. Với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thúc đẩy thị trường tái chế, xử lý chất thải.

2.6. Xử lý chất thải nguy hại

Trong dự thảo cũng đã lồng ghép việc xử lý chất thải nguy hại bằng cách khai báo, đăng ký chủ nguồn thải trong nội dung giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, không cấp phép cho các phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại. Và cũng khuyến khích quản lý chất thải và xử lý bằng công nghệ BAT.

Xử lý chất thải nguy hại

Khuyến khích việc xử lý tập trung theo vùng, khu vực hoặc tỉnh thành và cần quy định rõ trong trường hợp đồng xử lý. Và cũng trong dự thảo Luật đã bổ sung thêm quy định việc quản lý CTNH phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt và CTR nguy hại phát sinh từ hộ gia đình cá nhân (như pin, bóng đèn huỳnh quang thải, ắc quy …) được quản lý như đối với CTR có khả năng tái chế.

Và việc vận chuyển CTNH đến các cơ sở xử lý được thực hiện bởi các chủ nguồn thải hoặc các tổ chức có giấy phép môi trường theo quy định phù hợp với loại chất thải cần xử lý.

2.7. Xử lý nước thải

UBND cấp tỉnh, các chủ đầu tư, dự án phát triển đô thị cần phải có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải đạt chuẩn theo quy định. 

Nguồn nước thải từ hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh sản xuất, dịch vụ nhỏ lẻ ở các đô thị hoặc khu dân cư tập trung, phải đầu tư, lắp đặt các thiết bị xử lý tại chỗ theo quy chuẩn kỹ thuật thiết kế xây dựng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu BVMT của địa phương trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung. 

Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nguồn nước và từng bước nâng cao chất lượng nguồn nước trên toàn quốc, cải thiện môi trường sống.

2.8. Kiểm toán môi trường

Trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung các quy định về vấn đề kiểm toán môi trường đối với các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả quản lý chất thải, sử dụng các nguồn tài nguyên hợp lý, tiết kiệm cũng như ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích các cơ sở tự thực hiện kiểm toán môi trường của chính đơn vị mình hoặc thuê các đơn vị kiểm toán độc lập để thực hiện.

3. Các điều luật và nghị định về quản lý chất thải

Hiện nay, các điều luật, chiến lược và nghị định về quản lý chất thải, quản lý chất thải y tế, quản lý chất thải nguy hại … tại nước ta bao gồm:

  • Luật Bảo vệ môi trường – Luật số 72/2020/QH14 được ban hành vào ngày 17 tháng 11 năm 2014
  • Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020
  • Tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1216/QĐ – TTg ngày 05/09/2012)
  • Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 12/12/2009)
  • Chiến lược phát triển chất thải rắn tại các khu đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 152/1999/QĐ-TTg ngày 10/7/1999)
  • Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015)
  • Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu (Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015)
  • Nghị định về sản xuất và cung ứng sản phẩm , dịch vụ công ích (Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013)
  • Nghị định về xây dựng, đánh giá thẩm định và quản lý quy hoạch đô thị (Nghị định số 37/2010/NĐ-CP)
  • Nghị định về chính sách khuyến khích xã hội hóa với hoạt động trong việc giáo dục, dạy nghề, ý tế, văn hóa, thể thao, môi trường(Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008)
  • Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015)
  • Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020
  • Công bố định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị (Quyết định số 529/QĐ-BXD ngày 30/5/2014 của Bộ Xây dựng)

Trên đây là các căn cứ pháp lý xoay quanh vấn đề quản lý chất thải rắn, quản lý rác thải y tế … với mục đích cải thiện và nâng cao môi trường tự nhiên của nước ta.

4. Các câu hỏi thường gặp

Các nguyên tắc và giải pháp nào nhằm giảm thiểu chất thải rắn phát sinh trong công tác bảo vệ môi trường?

Căn cứ theo Điều 56 Nghị định 08/2022/NĐ – CP đã nêu ra quy định rõ ràng để giảm thiểu và quản lý rác thải rắn bằng việc áp dụng các biện pháp gia tăng sản xuất hoặc sử dụng hiệu quả các sản phẩm.

Ngoài ra, công tác sử dụng chất thải rắn phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo nguyên tắc tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải loại, chất rắn.

Các giải pháp quản lý rác thải và xử lý theo thứ tự ưu tiên sau:

  • Tận dụng tái chế, tái sử dụng rác thải cũng như các sản phẩm thải bỏ
  • Nâng cấp và cải thiện để giúp tuổi thọ của các sản phẩm sử dụng gia tăng thêm tuổi thọ
  • Tối ưu hóa cũng như tận dụng các bộ phận có thể sử dụng lại của các sản phẩm thải bỏ
  • Sử dụng các phương pháp tái chế chất thải rắn để tạo ra nguồn nguyên, nhiên liệu, vật liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất theo quy định của pháp luật
  • Xử lý chất thải rắn một cách tối ưu và kết hợp thu hồi năng lượng theo các quy định hiện hành
  • Thực hiện công tác xử lý và chôn lấp chất thải rắn theo các quy định mới nhất của pháp luật

Với sự tham gia của các doanh nghiệp và đơn vị liên quan trong ngành công nghiệp chất thải và tái chế, triển lãm ngành Công nghiệp Chất thải và Tái chế tại Việt Nam – Waste and Recycling Vietnam 2023 sẽ mang đến cơ hội để hãng tìm hiểu, trao đổi và áp dụng các giải pháp giảm thiểu rác thải và tái sử dụng rác thải hiệu quả. 

Đồng thời, triển lãm quốc tế cũng cung cấp cho các doanh nghiệp một nền tảng để mở rộng mối quan hệ và ứng dụng xu hướng công nghệ xử lý chất thải hiện đại nhất.