WRV – Waste and Recycling Expo Việt Nam

Doanh nghiệp Việt ở đâu trong ngành công nghệ xử lý rác thải?

Doanh nghiệp Việt ở đâu trong ngành công nghệ xử lý rác thải?

Hiện mỗi ngày nước ta phát sinh hơn 64 ngàn tấn rác thải, nhưng trong số ấy chỉ có 15% được tái chế hoặc sử dụng lại [1], chưa kể Việt Nam đứng thứ 4 trong số 20 quốc gia thải nhiều rác thải nhựa nhất trên thế giới. [2] Với thực trạng đầy thách thức này, làm thế nào giải quyết một cách triệt để và hiệu quả, giảm bớt các tác động tiêu cực cho hệ sinh thái và sức khỏe con người? Ngoài các cách xử lý truyền thống thì còn phương pháp nào đang được ứng dụng tại Việt Nam không? Cùng RX Tradex tìm hiểu rõ hơn thông qua chủ đề “Doanh nghiệp Việt đang ở đâu trong ngành công nghệ xử lý rác thải?”.

1. Thực trạng xử lý rác thải tại Việt Nam.

Mỗi năm Việt Nam ước tính thải ra khoảng 3,1 triệu tấn rác nhựa trên đất liền, đổ ra đại dương dao động 0,28 – 0,73 triệu tấn, [3] tốc độ gia tăng rác thải hàng năm từ 10 – 12%. [4] Thực trạng này khiến nước ta nằm xếp hạng trong top các quốc gia phát sinh chất thải nhựa lớn nhất thế giới (Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới – World Bank). Tuy vậy, cách thức xử lý chất thải tại Việt Nam chủ yếu vẫn là phương pháp chôn lấp, chiếm tới 70% tổng lượng rác thải ra. [4] Các phương pháp khác như: Đốt rác hoặc ủ phân hữu cơ,… vẫn chưa giải quyết được triệt để lượng rác thải ra vì vẫn còn tạo ra nhiều sản phẩm phụ, khí độc cho môi trường, hoặc quy trình thực hiện còn phức tạp. Chưa kể do lượng rác phát sinh hàng ngày quá lớn, trong khi đó phương tiện thu gom, vận chuyển còn rất thủ công, chủ yếu dựa trên sức người, đồng thời công tác phân loại và kiểm soát chất thải tại nguồn chưa hiệu quả khiến vấn đề xử lý và tái chế rác thải tại Việt Nam thực sự nan giải và tốn nhiều công sức.

Vì vậy, nước ta rất cần các biện pháp thực hiện quyết liệt để hỗ trợ cho việc quản lý rác thải, ngay từ ý thức người dân trong việc phân loại rác thải, tái sử dụng rác thải, phân loại rác tại nguồn, cho đến các công tác thu gom, vận chuyển. Sau đó, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải phù hợp với số lượng, tính chất rác thải, điều kiện từng khu vực, địa phương,…

doanh-nghiep-viet-o-dau-trong-nganh-cong-nghe-xu-ly-rac-thai1.jpg

2. Các thách thức cho doanh nghiệp Việt trong việc hội nhập nền kinh tế xanh tuần hoàn.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, nếu 35-50% nhu cầu nguyên vật liệu được lấy từ nhựa tái chế, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%. [6] Với dân số hơn 90 triệu, mỗi năm lượng rác thải ra lại tăng thêm 10-12%, nhưng số lượng nhà máy xử lý rác thải nhựa ở nước ta còn quá ít, dẫn đến hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, trong khi tổng lượng phế liệu nhựa được thu mua chỉ khoảng 10% tổng số tồn lưu phát tán vào môi trường mỗi năm. [6] Nếu số lượng rác này được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên đáng kể.

Giữa thực trạng rác thải ngày càng diễn biến đầy thách thức ở Việt Nam và thế giới, không hẳn không có giải pháp hoặc công nghệ xử lý triệt để và hiệu quả. Có rất nhiều quốc gia đã ứng dụng các phương pháp tiên tiến, hầu như sẽ là sự kết hợp nhiều bước thực hiện từ giai đoạn phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý từng loại rác cụ thể, cuối cùng mới là chôn lấp. Đơn cử như Nhật Bản, đã làm rất tốt khi giáo dục, xây dựng nhận thức trong việc giữ gìn vệ sinh công cộng, môi trường sống và ý thức cho người dân về việc phân loại rác thải đúng cách ngay tại nguồn, hỗ trợ tích cực cho các đơn vị thu gom, xử lý rác thải. Ngoài ra các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến sau đó của Nhật cũng thực hiện nhanh chóng, giảm khí thải độc hại, tiết kiệm chi phí. Vậy điều gì đang là thách thức cho doanh nghiệp nước ta tiến vào hội nhập nền kinh tế xanh tuần hoàn trong tương lai gần? Cùng tìm hiểu thêm dưới đây!

Thách thức dành cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Cả thế giới đang tiến tới xây dựng các dây chuyền sản xuất tuần hoàn, khi mà rác loại thải ra có cơ hội tái sử dụng, tái chế nhằm tạo nên nguồn nguyên liệu trở lại. Quy trình này được áp dụng trực tiếp tại mỗi nhà máy, xí nghiệp sản xuất, xử lý nguồn chất thải đầu ra tại chỗ để giảm tải công vận chuyển, ô nhiễm không khí và tốn diện tích do việc lưu kho, tiết kiệm chi phí trả cho bên thứ ba. Chưa kể thành phẩm xử lý công nghệ có thể dùng lại hoặc bán ra giúp tạo nên lợi ích kinh tế.

Rất nhiều giá trị như thế nhưng không đơn giản để thực hiện tại các doanh nghiệp nước ta khi mà nhận thức của người lao động kể cả các quản lý cấp cao về vấn đề môi trường còn rất hạn chế, chứ chưa nói đến vấn đề quản lý rác thải. Vì thế, ngay từ ý thức sử dụng tiết kiệm vật dụng, tài nguyên cho sinh hoạt và sản xuất, cũng như phân loại rác cơ bản cũng chưa được áp dụng một cách thỏa đáng. Do đó, sự thay đổi đầu tiên là từ phía các cấp lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm, đốc thúc, giáo dục nhận thức và truyền xuống cho lực lượng lao động.

Thách thức thứ hai của ngành công nghệ xử lý rác thải phải kể đến là chi phí phải trả cho công nghệ xử lý chất thải. Các phương pháp càng tiên tiến, hiện đại, giảm tác động tiêu cực ngược thì sẽ càng tốn kém tiền của và thời gian để xây dựng nên một quy trình mới.

Thứ ba, việc vận hành một bộ máy mới, nhất là khi đặt nó một cách hòa hợp vào trong một mô hình sản xuất đang tồn tại quả thật là một thử thách cho các doanh nghiệp. Chưa kể việc đào tạo cách sử dụng và hoạt động của hệ thống mới này cũng cần thời gian và sự kiên nhẫn.

Mặc dù thế, thành quả của quá trình này sẽ rất đáng để chờ đợi và sẽ tạo nên một cuộc cách mạng mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Việt, giúp tăng năng suất và những chuyển biến tích cực trong nội bộ công ty, vươn lên dẫn đầu ngành.

Thách thức dành cho doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực quản lý rác thải và môi trường.

Đây là các nhà cung cấp giải pháp xử lý chất thải dành cho các cá nhân, cơ quan ban ngành, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Để có chỗ đứng trong thị trường thì công nghệ xử lý rác thải của các doanh nghiệp Việt cần tạo được các lợi thế cạnh tranh nhất định, một số yếu tố cần xem xét như: Xử lý nhanh chóng, hiệu quả, chi phí vừa phải và không tạo ra các sản phẩm phụ độc hại cho môi trường và con người.

Điều doanh nghiệp nước ta cần chú ý là làm sao khéo léo “giáo dục” và truyền tải thông điệp cần thiết bảo vệ môi trường, tác hại của ô nhiễm đối với chính sự tồn tại và phát triển của mỗi người và đơn vị mình. Đồng thời, cung cấp kiến thức về những cách phân loại, xử lý và tái chế rác thải theo khả năng và quy mô hoạt động của mỗi cơ quan, doanh nghiệp cũng như các lợi ích của toàn bộ quá trình này.

Một thách thức khác của doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghệ xử lý rác thải là mỗi nghiên cứu, sáng chế trong nước hay các giải pháp tiên tiến được mang về từ nước ngoài cần dung hòa được nhiều khía cạnh như: Hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, môi trường, phù hợp với hoạt động của từng vùng miền, địa phương, xí nghiệp,…

Ngoài ra còn tồn tại một thực tế của tình trạng “loạn công nghệ” khi mà nhiều doanh nghiệp, công ty môi trường đã đầu tư kinh phí để xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả, gây tốn kém và lãng phí nguồn lực. Thêm vào đó, định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa cụ thể cho từng địa phương, từng công nghệ nên rất khó tính toán cho việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay giải pháp phù hợp.

3. Doanh nghiệp Việt đang ở đâu trong ngành công nghệ xử lý rác thải hiện nay?

Như vậy, với các thực trạng và thách thức như trên, doanh nghiệp Việt đang có bước tiến như thế nào trong ngành công nghệ xử lý chất thải hiện nay? Theo TS. Nguyễn Đình Trọng, thuận lợi dành cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xử lý rác không nhiều, nhưng khó khăn lại vô cùng lớn như: Đa số các doanh nghiệp Việt non trẻ, quy mô nhỏ, ít kinh nghiệm, vốn ít, khó có thể đầu tư dài hạn. Chính sách thu hút của nhà nước chưa đủ hấp dẫn trong khi tâm lý sính ngoại lại cao, khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn khi tham gia xử lý rác, dễ nản lòng nếu không kiên trì thực sự.

Hiện tại ở Việt Nam đang sở hữu một số phương pháp như: Chôn lấp, đốt rác thông thường, ủ phân hữu cơ, đốt rác phát điện, đốt rác tạo năng lượng (điện và nhiệt), công nghệ tái chế, phương pháp thu hồi khí sinh học,… Trong đó chôn lấp vẫn chiếm đa số 70% [5], và các công nghệ còn lại mang lại hiệu quả cao hơn, có thể giải quyết phần lớn lượng rác thải.

doanh-nghiep-viet-o-dau-trong-nganh-cong-nghe-xu-ly-rac-thai2.jpg

Một số công nghệ đang được ứng dụng tại các doanh nghiệp Việt Nam.

  • Công nghệ đốt được áp dụng phổ biến nhất, theo quy mô từ 10-150 tấn/ngày. Trong đó, chủ yếu là đốt không sử dụng nhiên liệu quy mô nhỏ từ 10-12 tấn/ngày. Một số đơn vị đã đầu tư công nghệ đốt thu hồi nhiệt để sấy rác, lâm sản như Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long, Xí nghiệp xử lý rác thải và sản xuất phân bón thành phố Thái Bình,… [7]
  • Công nghệ đốt phát điện đã được thực hiện thử nghiệm tại một số nơi. Công nghệ xử lý chất thải rắn công nghiệp của Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) theo phương pháp đốt và cấp điện cho lò hơi phát điện tại nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện Nam Sơn (Hà Nội) với công suất 75 tấn/ngày và tạo ra 1,93MW điện. [7]
  • Điện rác WTE sử dụng công nghệ khí hóa phát triển bởi đội ngũ cán bộ, nhà nghiên cứu Việt Nam của Công ty trách nhiệm hữu hạn thủy lực máy tại Hà Nam. Hiện công nghệ này đã được thực nghiệm ở quy mô nhỏ xử lý chất thải công nghiệp không nguy hại bằng công nghệ điện rác tại công trường xử lý rác Gò Cát, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
  • Công nghệ phân loại xử lý rác thải, sản xuất biogas phát điện và phân bón hữu cơ của Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển dự án Việt Nam tại Quảng Bình. Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng công nghệ đốt phát điện cần được tiếp tục theo dõi, đánh giá tính ổn định, hiệu quả.
  • Việc ứng dụng men vi sinh trong xử lý rác thải để hỗ trợ tạo khí Biogas và ủ phân hữu cơ ngày càng được sử dụng nhiều hơn tại các địa điểm tập kết xử lý rác. Tại đây, các sản phẩm đang được đưa vào sử dụng hiệu quả là Microbe-Lift Biogas và Microbe-Lift BPCC.

Tuy nhiên hiện tại trong nước vẫn còn thiếu công nghệ xử lý chất thải nguy hại từ rác thải điện tử như: Thủy ngân trong bóng đèn huỳnh quang, màn hình tivi,… đang đặt ra thách thức đối với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

4. Tổng kết.

Như vậy RX Tradex vừa chia sẻ về chủ đề “Doanh nghiệp Việt đang ở đâu trong ngành công nghệ xử lý rácchất thải?”. Hy vọng các thông tin trên đã cung cấp một cái nhìn tổng thể về thực trạng xử lý chất thải tại Việt Nam, các thách thức cho doanh nghiệp Việt và những công nghệ đang được phát triển và ứng dụng tại nước ta. Ngoài ra Triển lãm Quốc tế về Công nghệ xử lý và Tái chế chất thải được RX Tradex Vietnam tổ chức sẽ là một sân chơi trình diễn rất nhiều giải pháp, máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực rác thải dành cho những ai quan tâm đến chủ đề này. Doanh nghiệp sẽ tìm thấy các xu hướng mới nhất, các phương án phù hợp cho tình hình nhà máy, đơn vị sản xuất của mình. Thêm vào đó, các sự kiện Triển lãm Quốc tế hàng đầu khác như khác là Vietnam Manufacturing Expo, METALEX Vietnam, và NEPCON Vietnam cũng mang đến các giá trị tương tự.

Chú thích:

[1] Thực trạng rác thải và tái chế tại Việt Nam.

[2] Rác thải ở Việt Nam so với thế giới.

[3] Thực trạng rác thải nhựa tại Việt Nam theo thống kê của Ngân hàng Thế giới.

[4] Tốc độ gia tăng rác thải tại Việt Nam.

[5] Việt Nam 70% rác thải chôn lấp.

[6] Nguyên liệu nhựa cho sản xuất.

[7] Công nghệ được ứng dụng tại Việt Nam.