WRV – Waste and Recycling Expo Việt Nam

Giải pháp nào cho công nghệ xử lý chất thải tại đô thị Việt Nam?

Giải pháp nào cho công nghệ xử lý chất thải tại đô thị Việt Nam?

Tốc độ đô thị hóa đang gia tăng nhanh chóng kéo theo sự cần thiết thay đổi nhiều khía cạnh của cả một hệ thống lớn, đặc biệt là quản lý chất lượng môi trường đô thị. Tuy nhiên, khi mà sự đổi mới này không theo kịp với nhu cầu tiêu dùng, số lượng rác thải ra môi trường thì chính quyền phải đau đầu với việc xử lý tình trạng ô nhiễm hệ sinh thái, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống người dân. Vậy “Giải pháp nào cho công nghệ xử lý chất thải tại đô thị Việt Nam?”, cùng RX Tradex tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

1. Giải pháp nào cho công nghệ xử lý chất thải tại đô thị Việt Nam hiện nay?

1.1. Thực trạng rác thải tại đô thị Việt Nam.

Nhu cầu sinh hoạt của người dân ngày càng lớn, nhất là ở các khu đô thị lớn khiến chất thải được loại ra từ các hoạt động: Kinh doanh, sản xuất, giải trí, khám chữa bệnh,… gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống nếu không được xử lý thích hợp. Theo báo cáo “Hiện trạng Môi trường Quốc gia 2016-2020” do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cuối năm 2021, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh gần 36.000 tấn mỗi ngày, tăng 10-16% mỗi năm nhưng tốc độ thu gom và xử lý chỉ tăng 2%/năm, hầu hết chỉ theo hình thức chôn lấp thô sơ, [1] và với 5.800 tấn không được thu gom, trở thành một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường. [2]

Hàng ngày hàng giờ, lượng rác thải ra liên tục, mặc dù được công nhân vệ sinh thu gom nhưng vẫn quá tải, rác thải dồn ứ tại các điểm tập trung nhỏ như vỉa hè, cột điện, bãi rác tự phát,… cùng với nhiều xe chở rác chờ xử lý khiến rác ứ đọng, rất mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Mặc dù tại các thành phố lớn đều có bố trí các thùng rác công cộng, nhưng vì không có cơ chế kiểm soát và thu gom phù hợp nên rác đầy tràn ra cả xuống đường phố, rác cũng bị vứt gần miệng cống và rơi cả trên đường. Ngoài việc mất thẩm mỹ, các loại rác nhất là chất hữu cơ phân hủy gây mùi hôi thối dễ làm vi khuẩn phát triển, thu hút các côn trùng như ruồi, muỗi, chuột, gián, là nguyên nhân gây các bệnh truyền nhiễm, đồng thời làm ô nhiễm không khí, môi trường, đất, nước,…

Thực trạng rác thải tại đô thị Việt Nam.

1.2. Tình hình sử dụng công nghệ xử lý chất thải tại đô thị Việt Nam hiện nay.

Giữa thực trạng số lượng rác thải ra ngày một lớn, các cơ quan, ban ngành đều đang tìm cách kiểm soát và khắc phục ráo riết các hệ lụy ô nhiễm môi trường do vấn đề này gây ra. Thực tế tại nước ta hiện nay, công nghệ xử lý các loại chất thải còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả và rất thiếu các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất tuần hoàn rác thải thành năng lượng hoặc hàng hóa. Bên cạnh đó, ở một số địa phương, các nhà máy xử lý rác thải cũng dừng hoạt động vì thu không đủ chi, máy móc, thiết bị hư hỏng không có kinh phí để mua mới hay sửa chữa,… nhiều bãi chôn lấp rác thải chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải, nước rỉ của rác. Phương pháp xử lý rác thải tại các bãi chủ yếu là phun chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi và côn trùng cùng với rắc vôi bột khử khuẩn,… Mặc dù, tỷ lệ thu gom rác thải ở các đô thị hằng năm vẫn tăng, nhưng do lượng chất thải phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom, xử lý rác chưa đạt theo yêu cầu.

Cụ thể, tại khu vực miền trung và Tây Nguyên hiện có khoảng 173 cơ sở xử lý/bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh chiếm tới 51%, chủ yếu là bãi rác hở, đổ lộ thiên hoặc bán lộ thiên, do đó không bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh môi trường. [3] Ở TP. Hồ Chí Minh, khoảng 9.200 tấn rác được thải ra mỗi ngày, có tới 72,5% mang đi chôn lấp, 27,5% được dùng để tái chế, làm phân compost hoặc đốt. Lượng rác đem chôn này tập trung vào 2 bãi rác chính là Đa Phước (huyện Bình Chánh) với 6.060 tấn/ngày và Phước Hiệp (huyện Củ Chi) có 621 tấn/ngày. [4] Chuyện gì xảy ra nếu quỹ đất chôn lấp này liên tục phải mở rộng, lấy đi rất nhiều tài nguyên đất, lại rất khó khăn để giải phóng mặt bằng. Rõ ràng việc chôn rác đã không còn phù hợp với tình hình của thành phố và sự phát triển của công nghệ, vì thế mới đây 2 nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Vietstar được khởi công xây dựng ở huyện Củ Chi. Khi hoàn thành, các nhà máy này sẽ xử lý lượng lớn rác thải sinh hoạt dự kiến tăng lên 13.000 tấn/ngày vào năm 2025. [4]

1.3. Giải pháp tối ưu nào cho công nghệ xử lý chất thải tại đô thị Việt Nam hiện nay?

Với những thách thức nan giải như trên thì rõ ràng việc trông đợi vào một công nghệ xử lý chất thải cụ thể nào đó không đủ để giải quyết toàn bộ vấn đề. Quy trình xử lý cần là một sự thay đổi từ trên các cấp chính quyền cho đến các tầng lớp dân cư, từ các cơ quan, xí nghiệp cho tới lan rộng trong từng ngóc ngách, khu vực người dân sinh sống. Vì thế RX Tradex xin được tổng hợp những giải pháp bao trùm để hỗ trợ phần nào xử lý các vấn đề này hiệu quả hơn.

Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, tái sử dụng và thói quen tiêu dùng tiết kiệm.

Để hạn chế phát sinh ra rác thải thì không cách gì tốt hơn bằng việc tiết giảm sử dụng các vật dụng trong gia đình hoặc tìm cách dùng lại trước khi thải bỏ nhằm tăng vòng đời của chúng, giảm lượng rác đưa ra môi trường. Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí sinh hoạt thì đây cũng là một cách góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để làm được điều này chỉ có cách xây dựng nhận thức cho đại bộ phận dân cư từ những trẻ nhỏ trong các môi trường giáo dục tập trung. Vì vậy rất cần sự điều chỉnh từ phía chính quyền, đưa các hoạt động tuyên truyền ý thức này vào trường học và các cơ quan, tập thể để giáo dục người dân thường xuyên hơn, cho đến khi biểu hiện ra bằng hành vi cụ thể.

Phân loại rác thải tại nguồn nhằm hỗ trợ việc thu gom, vận chuyển, xử lý.

Điều tiếp theo cần làm là vận động người dân và các khu nhà máy, xí nghiệp bỏ rác đúng nơi quy định. Việc này bao gồm luôn cả nhận thức việc phân loại rác thải đúng cách theo tính chất từng loại rác, tất nhiên mỗi gia đình hay khu vực công cộng và nhà xưởng cần có các túi/thùng rác màu sắc khác nhau nhằm thuận lợi cho việc phân chia rác. Ví dụ: Màu xanh dành cho rác sinh hoạt, màu trắng rác tái chế, màu vàng là rác nguy hại lây nhiễm, màu đen cho rác nguy hại không lây nhiễm,… Cần có bảng hướng dẫn hoặc người có kiến thức để giúp người dân hiểu rõ điều này trong một thời gian đủ dài cho đến khi họ ghi nhớ và ý thức được. Hiển nhiên là công nhân hay cơ chế thu gom cũng cần kịp thời, thậm chí nếu số lượng rác bị đầy trước thời gian quy định cũng cần có người kiểm tra để tăng nhân lực đi xử lý đúng lúc.

Ngoài ra nên có các phong trào, động viên cộng đồng tham gia như: Nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh khu phố, nơi sinh sống, tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của rác thải đối với môi trường và sức khỏe con người,… Song song với việc này là các hình thức xử phạt hành chính đối với những ai vi phạm quy định, vứt rác bừa bãi hoặc để rác không đúng quy cách,…

giai-phap-nao-cho-cong-nghe-xu-ly-chat-thai-tai-do-thi-viet-nam1.jpg

Lựa chọn công nghệ phù hợp với tình trạng rác thải tại đô thị Việt Nam.

Sau những thay đổi về mặt nhận thức và hành vi của mỗi người thì việc trang bị một hệ thống thu gom, xử lý rác công suất lớn, hiệu quả và tiết kiệm công sức là điều tiên quyết để mọi cố gắng không trở nên dư thừa và gây nản lòng. Công nghệ có thể chỉ dừng ở mức độ xử lý lượng rác đã được phân loại, thu gom, vận chuyển nhưng phù hợp cho từng loại chất thải và hạn chế được các sản phẩm phụ hay khí độc phát thải vào bầu khí quyển. Bước tiến xa hơn chính là việc đưa các năng lượng tái tạo, khí sinh học, phân bón, nhiệt hay điện năng sau quá trình xử lý vào một chu kỳ tuần hoàn sản xuất/tiêu dùng tiếp theo hoặc mang đi bán lại thu hồi tài chính.

Ngoài ra nếu có thể đầu tư các loại công nghệ thông minh như: Trí tuệ nhân tạo AI, cảm biến IoT nhận diện rác, cảm ứng được mức độ rác đầy hay rô-bốt thu gom rác, hoặc sự kết hợp của nhiều công nghệ để định tuyến cả hành trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác,… thì việc xử lý rác sẽ trở nên nhẹ nhàng cũng như triệt để hơn rất nhiều. Trên thế giới hiện nay có rất nhiều công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hoặc các xu hướng công nghệ mới có ứng dụng kỹ thuật số sẽ mang lại nhiều triển vọng cho việc xử lý rác thải tại đô thị Việt Nam trong tương lai. Điều cần làm chính là cân nhắc các chi phí, lợi ích kinh tế, tình hình và đặc điểm từng địa phương để cùng tìm kiếm hướng đi phù hợp nhất với Việt Nam hiện tại.

2. Tổng kết.

Như vậy trong bài viết trên, RX Tradex vừa trao đổi một số góc nhìn về chủ đề “Giải pháp nào cho công nghệ xử lý chất thải tại đô thị Việt Nam?”. Một vài sự thay đổi nhỏ chưa thể làm nên một cục diện đổi mới lớn, nhưng sẽ là một bước đệm tạo đà chuyển biến trong công tác xử lý lượng rác thải còn tồn đọng và cả tương lai ngành chất thải của Việt Nam nếu có sự đồng hành, chung tay góp sức và điều chỉnh từ nhiều thành phần trong xã hội. Một số các công nghệ tiên tiến góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bức tranh này sẽ có mặt tại Triển lãm Quốc tế về Công nghệ xử lý và Tái chế chất thải được RX Tradex Vietnam tổ chức dành cho các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể quan tâm chủ đề này. Ngoài ra trong nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, RX Tradex còn tổ chức các Triển lãm Quốc tế hàng đầu khu vực khác như: Vietnam Manufacturing Expo, METALEX Vietnam, và NEPCON Vietnam cũng sẽ có các giải pháp tiên tiến dành cho các doanh nghiệp.

Chú thích:

[1] Thực trạng rác thải và tái chế tại Việt Nam.

[2] Rác không thu gom.

[3] Số lượng bãi chôn lấp ở Tây Nguyên.

[4] Rác thải TP. Hồ Chí Minh đang đi đâu?