Thông tin chuyên ngành

Hướng tiếp cận mô hình đô thị xanh, khu công nghiệp xanh

Hướng tiếp cận mô hình đô thị xanh, khu công nghiệp xanh

Trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2050, đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam nhanh và bền vững. Trong quá trình đô thị hóa, dựa trên nền tảng công nghiệp hóa, phát triển khu chức năng/khu công nghiệp (KCN) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thời kỳ đến năm 2030.

Theo số liệu từ Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 02/2024, cả nước đã có 418 KCN đã thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha. Trong số các KCN đã được thành lập, có 298 KCN đã đi vào hoạt động và 120 KCN đang trong quá trình xây dựng. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,3 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,5%. 

Khó khăn trong áp dụng chỉ tiêu đất đai cụ thể

Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” và theo đó, các tỉnh, thành trong toàn quốc cũng đã có những giải pháp của riêng mình. Đây là cơ sở quan trọng trong việc thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng các tiêu chí quy hoạch đô thị xanh tại Việt Nam.

Theo TS.KTS.Nguyễn Xuân Hinh, nguyên Trưởng Khoa Quy hoạch, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, trong chuyên ngành quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, các quan điểm đều chú trọng vào tổ chức không gian xanh. Khía cạnh này không  đơn thuần về việc bố trí tăng cường các không gian công viên, mặt nước, mà còn đòi hỏi nhiều hơn việc bố trí có hệ thống về không gian công cộng, thiết lập công trình thân thiện với môi trường, việc khai thác các đặc điểm điều kiện tự nhiên trong tạo lập cảnh quan đô thị, KCN và trên hết là hướng tới tạo lập nền tảng cho phát triển công nghiệp xanh, lối sống xanh.

Cùng với đó là thiết lập hạ tầng xanh, hướng tới việc sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư, xác định các trọng điểm đầu tư vào hạ tầng đô thị, KCN nhằm giảm thiểu sự biến đổi các đặc điểm tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng vận hành đô thị, KCN, tăng năng suất lao động và thúc đẩy sự gắn kết giữa các cộng đồng dân cư. Đồng thời, phải đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế xanh.

Tuy vậy, trên thực tế, theo TS.KTS. Nguyễn Xuân Hinh, việc áp dụng các quan điểm, khía cạnh trên trong công tác quy hoạch đô thị & KCN tại Việt Nam còn nhiều bất cập, trong đó nổi bật là khó khăn trong áp dụng chỉ tiêu đất đai cụ thể nhằm phân loại rõ các yếu tố đã nêu trên về không gian xanh, hạ tầng xanh…; khó khăn trong triển khai thực hiện theo tiêu chí, bộ tiêu chí cần đạt theo các yêu cầu phát triển đề ra; thiết lập mối liên kết sản xuất, liên kết hàng hóa theo các chuỗi sản phẩm, v.v…

Những khó khăn này đang là thách thức tác động mạnh mẽ tới công tác quy hoạch theo xu hướng xanh. Với đặc thù công tác quy hoạch Việt Nam về phân cấp, phân  quyền, sự đa dạng trong các loại hình cấp độ lập đồ án thì việc xây dựng và xác định các chỉ tiêu, tiêu chí do đó đang là vấn đề cấp bách. Cùng với đó việc tiếp cận xanh đối với quy hoạch đô thị, KCN còn đòi hỏi sự phối hợp ngành, đặc biệt là phát triển kinh tế, khai thác lợi thế cũng như hoàn thiện chuỗi liên kết. Tiếp cận theo xu hướng phát triển Đô thị Xanh đòi hỏi có sự triển khai đồng bộ về các văn bản pháp lý, các hướng dẫn triển khai và đổi mới phương pháp thực hiện.

Cần thống nhất về các luật liên quan

Để giải quyết những khó khăn này, TS.KTS. Nguyễn Xuân Hinh cho rằng, đối với hệ thống văn bản pháp lý, những nội dung đối với định hướng phát triển đô thị Xanh cần được thống nhất, giảm tránh các mâu thuẫn về các Luật liên quan ( Luật Xây dựng, luật Quy hoạch đô thị …); Các Nghị định thông tư hướng dẫn thực hiện.Đây là thực trạng bất cập, đặc biệt là trong vận dụng triển khai giữa các tỉnhtrong cả nước. Trong đó, cần cụ thể hóa theo 2 hướng: định lượng hóa và định tính hóa các yêu cầu về đô thị xanh trong áp dụng triển khai. Thực tế này đang còn nhiều bất cập, ví dụ như việc xác định chỉ tiêu cây xanh đô thị.  Việc định lượng hóa biểu hiện bằng việc ban hành các bộ quy chuẩn, quy phạm triển khai thực hiện. Việc định tính hóa được cụ thể trong các bộ tiêu chí, có đánh giá, so sánh, tham chiếu với quốc tế và thực tiễn đã triển khai thực hiện.

 Đối với những nội dung trọng tâm của đồ án quy hoạch đô thị & KCN xanh, theo TS.KTS. Nguyễn Xuân Hinh, vấn đề về quy hoạch sử dụng đất cần được làm rõ các tiêu chí, quy định trong phân bố không gian, cấu trúc đô thị và vai trò của từng chức năng cụ thể. Việc tiếp cận theo hướng xanh có thể sẽ có những tác động nhất định tới hệ thống đất đai và các tiêu chuẩn kèm theo. Bên cạnh các yếu tố về phân cấp, phân bố trong hệ thống đô thị, cần có những chỉ dẫn mang tính đặc thù vùng miền, địa hình , điều kiện tự nhiên, tổ chức xã hội, hoạt động kinh tế nhằm đảm bảo sự bền vững, tái thiết trong môi trường phát triển đồng nhất các hợp thể về kinh tế- xã hội – môi trường.

Các nhân tố chính về hình thái không gian đô thị xanh như hệ thống cây xanh đô thị, các hệ thống mặt nước cần có sự xác định rõ ràng về chức năng, vai trò cũng như về tiêu chuẩn, tiêu chí chiễm hữu đất đai và không gian.

Mạng lưới giao thông là huyết mạch phát triển đô thị, vừa đóng vai trò tích cực thúc đẩy giao thương, liên kết khu vực, nhưng cũng là tác nhân ảnh hưởng tới môi trường đô thị.Việc triển khai áp dụng Đô thị Xanh cần nên có những đề xuất cụ thể về các tiêu chí, chỉ tiêu thích hợp, đồng thời cần có sự phối hợp với các kế hoạch kiểm soát phân bố dân cư…

Về phương pháp lập quy hoạch, theo TS.KTS. Nguyễn Xuân Hinh, thực tiễn cho thấy, phần lớn là đơn thuần tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan thông qua việc áp dụng các kĩ thuật, các kinh nghiệm và lý luận về tổ chức không gian đô thị. Xu hướng chung trong phương pháp quy hoạch của các nước phát triển cho thấy sự chuyển hướng sang việc xác định theo các quy hoạch chiên lược (CDS). Trong đó, là sự tích hợp của nhiều chuyên ngành, lĩnh vực và thống nhất, tương hỗ theo mục tiêu xác định, do vây việc triển khai áp dụng tiếp cận “ quy hoạch xanh” cần đưa ra những hệ thống đánh giá chiến lược, tham gia và hoàn thiện các bước, trình tự trong việc lập quy hoạch chiến lược cụ thể.

Đặc biệt, cần nâng cao năng lực của cơ quan quản lý lập quy hoạch, đồng bộ với những kiến nghị đổi mới trong đối tượng, nhiệm vụ và phương pháp lập Quy hoạch xanh, việc đánh giá năng lực của các cơ quan đơn vị chuyên môn tham dự lập quy hoạch cần được xác định và bổ sung thêm vào trong các quy định hiện hành.

Nguồn: vccinews.vn