Những giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hiệu quả
Khí nhà kính có tác động trực tiếp đến môi trường, gây ảnh hưởng tiêu cực tạo nên hiện tượng nóng lên tại khu vực và toàn cầu. Hãy cùng RX Tradex tìm hiểu về khí nhà kính là gì, những giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
1. Khí nhà kính là gì?
Khí nhà kính (GHG – Greenhouse Gases) là những hợp chất trong khí quyển có khả năng hấp thụ và phát tán bức xạ nhiệt, từ đó giữ lại nhiệt và làm tăng nhiệt độ của Trái Đất. Các khí nhà kính chủ yếu bao gồm carbon dioxide (CO2), metan (CH4), nitrous oxide (N2O), và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi khác.
Khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống Trái Đất, phần lớn năng lượng này được hấp thụ bởi các bề mặt tiếp xúc và sau đó được phát tán lại dưới dạng bức xạ nhiệt (hồng ngoại). Khí nhà kính hấp thụ một phần của bức xạ nhiệt này và phát tán lại về phía bề mặt Trái Đất, thêm vào đó là sự gia tăng nồng độ khí nhà kính do hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch và chặt phá rừng đã làm tăng hiệu ứng nhà kính quá mức, dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, bao gồm biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và các cộng đồng trên toàn thế giới. Việc kiểm soát nồng độ khí nhà kính và khôi phục cân bằng khí hậu là điều cần thiết bắt buộc để giảm thiểu các tác động tiêu cực này.
2. Nguyên nhân dẫn đến phát thải khí nhà kính
2.1. Nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất (AFOLU)
Nông nghiệp, lâm nghiệp và việc sử dụng đất góp một phần đáng kể vào tổng lượng phát thải khí nhà kính. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các hoạt động như chăn nuôi gia súc và trồng trọt đều có ảnh hưởng trực tiếp đến mức phát thải khí. Cụ thể, chăn nuôi gia súc, đặc biệt là bò, tạo ra khí methane (CH4) thông qua quá trình tiêu hóa khí methane có hiệu ứng gây ấm toàn cầu mạnh gấp nhiều lần so với CO2. Việc sử dụng phân bón hóa học trong trồng trọt cũng tạo ra khí nitrous oxide (N2O), một loại khí nhà kính góp phần làm nóng lên toàn cầu lớn hơn rất nhiều so với CO2.
2.2. Năng lượng
Ngành năng lượng là nguồn phát thải khí CO2 chủ yếu, đặc biệt từ việc đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt. Các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện năng thải ra một lượng lớn CO2, góp phần lớn vào sự gia tăng hiệu ứng nhà kính. Đồng thời, phương tiện giao thông, bao gồm xe hơi, xe tải, và tàu thuyền, khi hoạt động với nhiên liệu hóa thạch cũng tạo ra khí CO2. Sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng không khí mà còn làm tăng lượng khí nhà kính trong khí quyển.
2.3. Chất thải
Việc quản lý và xử lý chất thải, bao gồm cả chất thải rắn và hữu cơ, là một nguồn phát thải khí nhà kính quan trọng. Khi chất thải hữu cơ phân hủy trong các bãi chôn lấp, quá trình này tạo ra khí methane (CH4), một khí nhà kính có sức mạnh gây ấm toàn cầu mạnh gấp nhiều lần CO2. Nếu các bãi chôn lấp không được quản lý đúng cách, lượng metan phát thải có thể trở nên đáng kể. Các hệ thống xử lý chất thải chưa hiệu quả hoặc thiếu cơ sở hạ tầng hiện đại cũng góp phần làm gia tăng lượng khí phát thải từ quá trình xử lý chất thải.
2.4. Quy trình công nghiệp, sử dụng sản phẩm (IPPU)
Các quy trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm (IPPU) bao gồm các hoạt động như sản xuất xi măng, thép, và hóa chất, cũng như việc sử dụng sản phẩm công nghiệp có thể dẫn đến phát thải khí nhà kính. Các quy trình này thường phát thải CO2 và các khí khác trong quá trình sản xuất và sử dụng sản phẩm.
3. Tình hình khí nhà kính ở Việt Nam hiện nay
Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn trong việc kiểm soát phát thải khí nhà kính. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, với các hiện tượng như tăng cường mực nước biển và hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo Tạp chí kinh tế đặc biệt năm 2024, trung bình một người Việt thải ra 2,3 tấn CO2/năm. Ngành nông nghiệp năng lượng và xử lý chất thải là những nguồn chính phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Chính phủ và các doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
4. Khí nhà kính được tạo ra như thế nào?
Khí nhà kính được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau và thông qua nhiều hoạt động, một số nguồn chính bao gồm:
- Đốt nhiên liệu hóa thạch: Sự cháy của than đá, dầu mỏ và khí đốt trong sản xuất điện và giao thông.
- Hoạt động nông/ công nghiệp: Sử dụng phân bón hóa học và chăn nuôi gia súc tạo ra metan và nitrous oxide. Hoạt động công nghiệp là một trong những hoạt động tạo ra khí nhà kính với quy mô lớn nhất bởi nguồn nguyên/ nhiên liệu mà quá trình này tiêu thụ.
- Chặt phá rừng: Cây xanh bị chặt phá làm giảm nguồn hấp thụ CO2 gây nên hiện tượng nóng lên ngay tại chính khu vực đó rồi lan ra dần cho đến quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó, rừng hiện nay bị chặt phá để chuyển đổi thành đất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng nhà ở hay chăn nuôi.
- Xử lý chất thải: Việc phân hủy chất thải hữu cơ tại các bãi chôn lấp cũng góp phần gây hiện tượng khí nhà kính do quá trình này tạo ra khí metan.
5. Giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hiệu quả, các doanh nghiệp có thể áp dụng những giải pháp sau:
- Chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch
Đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và thủy điện giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch, thải ra nhiều khí độc hại gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Đặc biệt, việc sử dụng các công nghệ hiện đại tiết kiệm năng lượng cũng góp phần làm giảm lượng khí nhà kính thông qua hoạt động sản xuất và tiêu thụ.
- Cải tiến quy trình sản xuất
Áp dụng công nghệ sạch và quy trình sản xuất hiệu quả hơn có thể giảm thiểu phát thải khí nhà kính, cải tiến quy trình sản xuất là sử dụng nguồn năng lượng một cách tối ưu, trong quá trình sản xuất sử dụng năng lượng sạch và biết cách tận dụng tái chế nguyên vật liệu, điều này không chỉ giúp tối ưu chi phí mà còn góp phần giảm thiểu những phát thải của hoạt động công nghiệp. Do đó, việc các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới để tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu khí thải trong sản xuất là một điều cần thiết và tối quan trọng trong bối cảnh môi trường toàn cầu hiện nay.
- Quản lý chất thải tốt hơn
Chất thải xử lý không đúng cách là một trong những nhân tố gây nên hiện tượng phát thải khí nhà kính. Việc xử lý chất thải đúng cách, bao gồm việc phân loại, tái chế và giảm thiểu lượng chất thải sinh ra góp phần làm giảm lượng khí thải nhà kính phát ra từ các bãi chôn lấp. Các doanh nghiệp cần triển khai các chương trình giảm thiểu chất thải, cải tiến hệ thống xử lý chất thải đảm bảo không thải ra môi trường những chất thải chưa qua xử lý.
- Bảo tồn và tái tạo rừng
Đầu tư vào các dự án bảo tồn và tái tạo rừng giúp cải thiện khả năng hấp thụ CO2 từ khí quyển. Các hoạt động này không chỉ giúp giảm lượng khí nhà kính mà còn mang lại lợi ích môi trường khác như bảo tồn sự đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng không khí.
- Đào tạo, nâng cao nhận thức
Trau dồi kiến thức và nâng cao nhận thức về khí thải nhà kính là điều cơ bản cần thiết đối với xã hội ngày nay. Đặc biệt trong nền công nghiệp sản xuất, tự doanh nghiệp phải tích cực tổ chức các chương trình đào tạo và phát động chiến dịch nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Việc đào tạo nhân viên về các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính giúp tạo ra một môi trường làm việc bền vững, thân thiện với môi trường.
Kết luận
Việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp có thể đóng góp tích cực vào việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc áp dụng các giải pháp hiệu quả như chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch, cải tiến quy trình sản xuất, quản lý chất thải, bảo tồn rừng, và thúc đẩy canh tác bền vững. Việc thực hiện những giải pháp này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Tham gia triển lãm WASTE AND RECYCLING VIETNAM EXPO 2024 vào tháng 11 này để cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất về quản lý chất thải, rác thải và tái chế bảo vệ môi trường giúp doanh nghiệp tiện cận với các chủ đề xoay quanh chính sách và luật pháp, thông tư kinh tế, quản lý chất thải rắn, công nghệ năng lượng tái chế.