WRV – Waste and Recycling Expo Việt Nam

Nước thải công nghiệp là gì? Top 5 giải pháp xử lý hiệu quả

Nước thải công nghiệp là gì? Top 5 giải pháp xử lý hiệu quả

Nhà máy sản xuất mọc lên tại các khu công nghiệp giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động và tăng trưởng GDP quốc gia. Tuy nhiên, lượng nước thải công nghiệp xả ra ngày càng nhiều các thành phần nguy hiểm, một phức tạp về số lượng, thành phần, gây ô nhiễm nguồn nước, tác hại đến môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. 

Việc hiểu rõ nước thải công nghiệp là gì và giải pháp xử lý nước thải công nghiệp, sẽ giúp các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp tìm ra phương án xử lý nước thải phù hợp và hiệu quả nhất. Điều này cũng tạo ra lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Vì thế đây cũng là trách nhiệm với môi trường, các doanh nghiệp cùng nhau xây dựng nền công nghiệp xanh tại Việt Nam. Cùng RX Tradex tìm hiểu chủ đề này qua bài viết sau.

1. Nước thải công nghiệp là gì?

Nước thải là gì? Là nước bị thải ra sau khi được sử dụng cho một mục đích nào đó, không còn giá trị để dùng lại nữa. Tùy vào nguồn gốc phát sinh mà có các loại: Nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước mưa,…

nuoc-thai-cong-nghiep-la-gi-top-5-giai-phap-xu-ly-hieu-qua-2.jpg

Nước thải công nghiệp là dạng nước thải được tạo ra trong quá trình sản xuất công nghiệp của các nhà máy, cơ sở chế biến của các tổ chức, xí nghiệp. Chúng bao gồm cả: Nước thải dùng làm sạch máy móc, sinh hoạt của công nhân tham gia sản xuất. Nước thải sẽ chứa nhiều chất, hợp chất hòa tan hoặc lơ lửng trong môi trường nước tạo nên hỗn hợp nhiễm bẩn, dễ phản ứng hoặc có tính độc gây nguy hại đến con người hoặc môi trường sống.

Nước thải thường được xử lý sơ bộ tại mỗi nhà máy rồi dẫn về hệ thống xử lý nước thải công nghiệp của khu công nghiệp (KCN). Quy chuẩn nước thải công nghiệp tại mỗi đơn vị sẽ theo một số quy định tối thiểu. Nếu cần xử lý các bước tiếp theo, doanh nghiệp sẽ trả phí cho KCN. Trung bình 1m3 nước thải sẽ có phí xử lý từ 1.200-2.500đ/m3. [1]

1.1. Các loại nước thải công nghiệp phổ biến.

Nước thải công nghiệp rất đa dạng về thành phần, số lượng tạo ra tùy vào: Lĩnh vực sản xuất, công nghệ được ứng dụng, độ mới của máy móc, ý thức của người vận hành,…

Có thể chia nước thải công nghiệp thành các dạng sau:

  • Nước có chứa các ion kim loại.
  • Chất hữu cơ hòa tan hay dạng nhũ. Ví dụ: Chất hoạt động bề mặt trong bột giặt, phenol và dẫn xuất, thuốc nhuộm, các hợp chất có chứa nhóm chức dạng nitrat, nitrit và clorua.
  • Dầu mỡ và chất rắn lơ lửng: Cát, sợi, mủ cao su, các oxit và hidroxit kim loại,…
  • CN, Cr, S2.
  • Muối axit và bazơ mạnh, chất hữu cơ ion hóa và không ion hóa.
  • Đường, phenol, và các chất hữu cơ dễ phân hủy khác.

1.2. Các nguồn gốc phát sinh nước thải công nghiệp.

Nước thải công nghiệp không chỉ là phụ phẩm của các công ty sản xuất dầu khí hay khai khoáng, hóa chất mà còn là phụ phẩm của ngành chế biến thực phẩm, đồ uống; hoặc của quá trình sản xuất quần áo, giày dép,…

nuoc-thai-cong-nghiep-la-gi-top-5-giai-phap-xu-ly-hieu-qua-3.jpg

Hầu hết các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp đều tạo ra nước thải, chất thải công nghiệp. Một số ngành nghề điển hình với các loại nước thải phức tạp, khó xử lý như:

  • Khai thác mỏ, dầu khí.
  • Sản xuất điện tử.
  • Các nhà máy gia công kim loại, cơ khí, luyện kim, sắt thép.
  • Nhà máy điện.
  • Các dịch vụ lò hơi.
  • Nhà máy sản xuất giấy.
  • Giặt là công nghiệp.
  • Da giày, may mặc, dệt nhuộm, in ấn.
  • Sản xuất và chế biến thực phẩm và đồ uống.
  • Sản xuất hóa chất, dược phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, văn phòng phẩm, vật liệu xây dựng,…
  • Nước xả thải từ các cơ sở chăn nuôi hoặc giết mổ gia súc.

1.3. Tác hại của nước thải công nghiệp.

Theo nguồn tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng nước thải ra từ các khu công nghiệp cả nước đạt khoảng 3 triệu m3/1 ngày đêm [2]. Trong đó có tới 70% [2] nước thải khu công nghiệp thải trực tiếp ra kênh rạch, ao hồ mà chưa qua bất kỳ bước xử lý nào. Lượng nước thải công nghiệp đang ở mức báo động này gây ảnh hưởng nghiêm trọng, sâu rộng đến mọi mặt đời sống con người.

  • Hủy hoại môi trường: Nước thải dễ dàng luân chuyển, phát tán ra sông hồ và thấm sâu xuống lòng đất gây ô nhiễm mạch nước ngầm. Sau đó làm biến đổi tính chất nguồn nước, khiến các sinh vật sống bị nhiễm độc, chết hoặc đột biến gen. Điều này ảnh hưởng đến con người trực tiếp hoặc gián tiếp qua chuỗi thức ăn và nước sinh hoạt.
  • Ảnh hưởng đến kinh tế: Nguồn nước ô nhiễm khiến các hoạt động nông – lâm – ngư nghiệp giảm năng suất, chất lượng thành phẩm thấp. Người dân mất nguồn thu, bỏ việc hoặc thất nghiệp. Đời sống kinh tế xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
  • Tác động đến sức khỏe con người: Đầu tiên là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, sau đó là không khí và cả môi trường. Người dân sống trong khu vực ô nhiễm nước thải công nghiệp sẽ dễ bị các bệnh nguy hiểm liên quan đến hô hấp và kể cả các bệnh ung thư, đột biến,… và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.

Vì thế cần có các quy định rõ ràng về quy chuẩn nước thải công nghiệp thải ra môi trường và các hình phạt nếu không chấp hành. Ngoài ra rất cần sự chung tay, góp sức, ý thức của các cấp quản lý chất thải cũng như công nhân viên mỗi xí nghiệp nhằm giảm tải gánh nặng ô nhiễm môi trường.

2. Top 5 giải pháp xử lý nước thải công nghiệp tiên tiến hiện nay.

Mục tiêu của xử lý nước thải công nghiệp là loại bỏ các chất hòa tan hoặc không tan lơ lửng trong nước để giảm tính nguy hại của nước thải. Mỗi phương pháp xử lý sẽ tập trung tác động vào một số thành phần nhất định trong dung dịch nước thải, làm lắng cặn, trung hòa hoặc khử các chất độc hại.

Top 5 giải pháp xử lý nước thải công nghiệp tiên tiến hiện nay

2.1. Xử lý nước thải công nghiệp bằng phương pháp cơ học.

Là giải pháp giúp loại thải các chất có kích thước và tỉ trọng lớn trong chất thải. Việc lựa chọn phương pháp nào tùy vào tính chất vật lý, nồng độ hạt lơ lửng, lượng nước thải và mức độ sạch. Thường áp dụng cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp như: Sơn, giấy, may mặc, xi mạ crôm, kẽm, và các ngành sản sinh nước thải chứa kim loại nặng.

Cách thức xử lý cơ học:

  • Dùng các lưới lọc, màng lọc, song chắn rác cho những loại cặn bẩn kích thước lớn (Giấy, nilon, vải, rau cỏ,…).
  • Dùng thiết bị tách mỡ, dầu, bể lắng,… cho các chất thải có tính dầu, chất lơ lửng trong nước. Chất lơ lửng nặng sẽ từ từ lắng xuống đáy, chất nhẹ sẽ nổi lên bề mặt.
  • Bể lắng cát: Tách các rác thải có trọng lượng riêng lớn (Cát, xỉ than,…).

Phương pháp cơ học có thể loại bỏ khỏi nước được 60% các tạp chất không hòa tan và 20% BOD. [3]

2.2. Xử lý nước thải công nghiệp bằng phương pháp sinh học.

Giải pháp dùng cho nước thải chứa các thành phần hữu cơ, nhất là xử lý chất amoni trong nước thải. Phổ biến để xử lý nước thải công nghiệp cho các nhà máy chế biến café, sản xuất mì ăn liền, bia, sữa,… Một số công nghệ áp dụng phương pháp sinh học là: Công nghệ xử lý nước thải AAO, xử lý bằng tảo hoặc bèo tây,…

Cách thức xử lý sinh học: Phương pháp này sử dụng các vi sinh vật kỵ khí hoặc hiếu khí để khử các chất hữu cơ có hại trong nước thải công nghiệp. Tùy theo thành phần có trong nước thải và yêu cầu đầu ra mà lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp.

2.3. Xử lý nước thải công nghiệp bằng phương pháp hóa học.

Đây là giải pháp khá phổ biến để xử lý các tạp chất và hóa chất có hại trong phần lớn các loại nước thải công nghiệp. Phương án này thường được dùng để xử lý nước thải trong các nhà máy dệt nhuộm, sản xuất mực in, xi mạ kẽm, crom hoặc các loại kim loại nặng khác. Bên cạnh đó các loại nước thải có nhiều tạp chất nồng độ axit cao cũng có thể xử lý bằng phương pháp hóa học.

Cách thức xử lý hóa học:

  • Oxi hóa – khử: Dùng phản ứng oxi hóa – khử để chuyển các hợp chất độc hại thành các chất an toàn hơn. Sau đó sẽ dùng các biện pháp khác để tách các chất này ra khỏi nước thải.
  • Trung hòa: Dùng phản ứng trung hòa để loại bỏ và làm giảm mức độ ảnh hưởng đến môi trường và sinh vật của các axit, bazơ có trong nước thải.

2.4. Xử lý nước thải công nghiệp bằng phương pháp hóa lý.

Giải pháp hóa lý áp dụng các quá trình vật lý và hóa học nhằm lược bỏ bớt các hóa chất gây ô nhiễm nước thải công nghiệp. Một số công nghệ xử lý bằng phương pháp hóa lý: Công nghệ thẩm thấu ngược, trích ly pha lỏng, keo tụ tạo bông,…

Cách thức xử lý hóa lý: Phương pháp này đưa vào nước thải một chất nào đó để tạo ra phản ứng với các tạp chất giúp loại bỏ chất bẩn khỏi nước thải.

2.5. Xử lý nước thải công nghiệp bằng phương pháp điện hóa.

Giải pháp sử dụng 2 dạng năng lượng điện và hóa học để loại bỏ hiệu quả các hóa chất độc hại với môi trường khỏi nước thải. Một vài công nghệ thuộc phương pháp này: Công nghệ oxi hóa điện hóa, keo tụ điện hóa,…

Cách thức xử lý điện hóa: Quy trình xử lý nước thải công nghiệp diễn ra nhờ vào tác dụng của dòng điện với điện cực hòa tan và không hòa tan. Kết tủa kim loại nặng dưới dạng hydroxit và loại bỏ khỏi nước thải. Phương pháp được áp dụng để xử lý nước chứa hàm lượng màu hữu cơ khó phân hủy sinh học trong ngành dệt nhuộm, giấy, rỉ rác,…

Ngoài ra sẽ còn nhiều công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, hiệu quả đến từ các doanh nghiệp đầu ngành giải pháp quản lý, xử lý và tái chế chất thải hàng đầu thế giới sẽ xuất hiện và trưng bày tại Triển lãm Quốc tế đầu tiên về Công nghệ xử lý và Tái chế chất thải Waste and Recycling Vietnam 2023 (WRV23). Tại sự kiện sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ các kỹ thuật viên chuyên môn cao, các chuyên gia đầu ngành giúp tư vấn hướng quản lý nước thải công nghiệp hiệu quả tại doanh nghiệp.

3. Tổng kết.

Qua bài viết, hẳn quý độc giả đã hiểu phần nào về “Nước thải công nghiệp là gì? Cùng các giải pháp xử lý nước thải công nghiệp”. Việc quản lý hiệu quả nước thải công nghiệp không chỉ giúp bảo vệ môi trường sống đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao danh tiếng và phát triển thương hiệu bền vững. Triển lãm WRV23 chính là điểm đến lý tưởng giúp gỡ rối các thắc mắc về việc xử lý nước thải công nghiệp. Đồng thời trong năm 2023 còn có các Triển lãm Quốc tế Vietnam Manufacturing Expo, METALEX Vietnam, NEPCON Vietnam đáp ứng được các mong đợi của doanh nghiệp trong ngành.

=====================

[1] Chi phí xử lý nước thải.

[2] Thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường – Tổng lượng nước thải.

[3] Phương pháp cơ học.