WRV – Waste and Recycling Expo Việt Nam

Rác thải điện tử là gì? Cách xử lý rác thải điện tử hiệu quả

Rác thải điện tử là gì? Cách xử lý rác thải điện tử hiệu quả

Tổ chức Diễn đàn Rác thải Thiết bị Điện và Điện tử (WEEE Forum) ước tính, “núi” rác thải điện tử của năm 2021 nặng khoảng 57 triệu tấn, hơn cả Vạn Lý Trường Thành – vật thể nhân tạo nặng nhất hành tinh. [1] Với sự phát triển của công nghệ, thói quen thay đổi thiết bị mới, loại bỏ những máy móc cũ thì núi rác này sẽ ngày càng lớn hơn, kéo theo nhiều tác động tiêu cực cho môi trường và sức khỏe con người. Cùng RX Tradex tìm hiểu thông tin về rác thải điện tử là gì? Cách xử lý rác thải điện tử hiệu quả trong bài viết sau đây!

1. Rác thải điện tử

1.1. Rác thải điện tử là gì?

Rác thải điện tử là các thiết bị điện, điện tử bị loại bỏ bởi không còn hữu ích, lỗi thời hoặc hỏng hóc. Các loại rác này có thể chứa đa dạng thành phần khác nhau như: Nhựa, kim loại, thủy tinh, chất hóa học thông thường và những loại độc hại,… cần được xử lý đúng cách để phòng ngừa các tác hại đến con người và hệ sinh thái.

Vậy rác thải điện tử bao gồm các loại nào? Rác thải điện tử gồm hầu hết các thiết bị chứa pin, linh kiện điện tử và/hoặc có phích cắm điện, được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như:

  • Thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông: Điện thoại, máy tính, bảng mạch, ổ cứng,…
  • Thiết bị gia dụng: Tivi, tủ lạnh, máy giặt, lò nướng, bếp điện, lò vi sóng, máy lạnh, hút bụi,…
  • Thiết bị giải trí: Máy chơi game, đồ chơi có vi mạch điện tử, loa, máy nghe nhạc, máy đĩa,…
  • Thiết bị văn phòng: Máy in, photocopy, fax, modem wifi, dây và cáp,…
  • Thiết bị y tế: Máy đo huyết áp, chụp X quang, siêu âm, máy xạ trị,…
  • Thiết bị công nghiệp: Thiết bị đo lường, máy phát điện, máy ép, phun, máy tiện,…
  • Các loại pin đã qua sử dụng: Pin xe điện, pin tiểu, pin trung,…
  • Các tiện ích điện tử khác: Điều khiển từ xa, ghế massage, máy chạy bộ, đồng hồ thông minh, đèn ngủ,…
rac-thai-dien-tu-la-gi-cach-xu-ly-rac-thai-dien-tu-hieu-qua2.jpg

1.2. Tác hại của rác thải điện tử.

Các thiết bị điện tử thông minh ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với đời sống con người. Khi các sản phẩm, máy móc này còn mới, sẽ là các công cụ tiện ích đắc lực và dường như vô hại. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, bị vứt ra môi trường và không được xử lý phù hợp, các loại rác thải này sẽ tạo ra rất nhiều tác hại và nguy cơ.

Tác hại với môi trường:

Theo thống kê trong năm 2019, với 53,6 triệu tấn rác thải điện tử được thải ra, nhưng chỉ 17% được tái chế đúng cách, phần còn lại sẽ được chôn lấp, thiêu hủy hoặc thậm chí là không được xử lý gì. [2] Ngược lại, với công nghệ sản xuất hiện tại thì việc thu gom, xử lý và tái chế rác thải điện tử còn rất hạn chế và chưa hiệu quả. Đặc biệt là rác thải điện tử qua tay người thu mua phế liệu, tự xử lý sai cách. Những điều này dẫn đến các chất độc hại, nguy hiểm bên trong máy móc thiết bị này phát tán ra môi trường, gây ô nhiễm đất, nước và không khí. Nguyên nhân bởi vì bên trong thiết bị điện tử đều chứa các nguyên tố rất độc hại như: Cadmium, chì, thủy ngân, bari, các chất chống cháy,…

Khi các chất độc ngấm vào đất sẽ ảnh hưởng đến cây trồng, từ đó gián tiếp tác động đến nguồn cung thực phẩm cho con người, gây ra nhiều biến chứng sức khỏe. Bên cạnh đó các chất độc có thể thấm vào mạch nước ngầm và cả nước ao hồ, sông suối, hủy hoại môi trường sống thủy sinh, khiến sinh vật bị tiêu diệt, gây mất cân bằng sinh thái. Ngoài ra, việc đốt tiêu hủy chất thải điện tử cũng giải phóng hydrocacbon trong khí quyển, gây ô nhiễm không khí, làm tăng hiệu ứng nhà kính. Riêng năm 2019, ước tính có khoảng 98 triệu tấn CO2 thải ra từ các tủ lạnh, máy điều hòa, làm tăng thêm khoảng 0,3% lượng khí nhà kính toàn cầu. [2]

Tác hại với sức khỏe con người:

Thông qua các tác động đến môi trường đất, nước và không khí, rác thải điện tử gián tiếp gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng 1 trong 4 trường hợp dẫn đến tử vong sớm là do ô nhiễm môi trường, bao gồm rác thải điện tử. [2]

Các kim loại nặng trong rác điện tử có thể xâm nhập vào cơ thể qua nguồn thực phẩm được trồng trên đất ô nhiễm và sinh vật sống trong nước bẩn, hoặc uống phải các loại nước chưa được lọc kỹ. Một khi các chất này tích lũy vào cơ thể một hàm lượng lớn sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng nề như: Tổn thương não, co rút các bó cơ, huyết áp cao, tim mạch, chậm phát triển ở trẻ, ung thư, thậm chí gây dị dạng, quái thai,…

Ở Việt Nam, cách xử lý thông thường là từ các vựa ve chai. Họ thu mua loại rác này và tự tháo rời các bộ phận của thiết bị cũ để bán từng phần. Chính vì không biết cách xử lý đúng đã làm các chất độc hại rò rỉ vào đất, tích tụ và thấm vào các mạch nước ngầm. Ngoài ra chính họ cũng sẽ bị chạm phải, hít phải các chất độc, khí độc đó, từ đó dễ bị các bệnh về hô hấp, phổi, suy giảm nhận thức, ung thư,…

Sự tổn hại về kinh tế:

Việc liên tục thay mới thiết bị điện tử kể cả khi vẫn còn dùng được là một sự lãng phí, nhất là nếu chúng bị vứt bỏ hay vì được tái sử dụng hay tái chế. Theo báo cáo năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), rác thải điện tử của thế giới có tổng trị giá là 62,5 tỷ USD – cao hơn GDP của đa số quốc gia. “Một tấn điện thoại di động bỏ đi thậm chí chứa nhiều vàng hơn một tấn quặng vàng”, tiến sĩ Ruediger Kuehr, giám đốc chương trình Chu kỳ Bền vững (SCYCLE) của Liên Hợp Quốc, cho biết. [1]

Trong bối cảnh thế giới đang cạn kiệt dần nguồn tài nguyên cùng giá cả leo thang thì quả thật không nên bỏ qua các kim loại quý giá trong những thiết bị điện tử này. Ngoài ra còn tốn kém chi phí cho việc xử lý rác thải điện tử, và diện tích kho bãi để lưu trữ lượng thiết bị này.

1.3. Cách xử lý rác thải điện tử hiệu quả.

Mặc dù hiện nay, việc xử lý rác thải điện tử còn nhiều bất cập và chưa hiệu quả tại đa số các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên vẫn có những cách thức có thể góp phần làm giảm và xử lý hiệu quả lượng rác khổng lồ này. RX Tradex tổng hợp một số cách xử lý rác thải điện tử hiệu quả dưới đây, theo nguyên tắc 3R: Reduce (Tiết giảm mua mới), Reuse (Tái sử dụng), Recycle (Tái chế).

Tiết giảm sử dụng đồ điện tử mới.

Ngày nay với sự phát triển của công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, rất nhiều thiết bị điện tử mới mẻ, các tiện ích thông minh phục vụ đời sống ra đời. Chính vì điều này, người tiêu dùng thường xuyên đổi mới các máy móc hiện đại để thỏa mãn nhu cầu và sở thích cá nhân. Các thiết bị cũ bị vứt bỏ ngay cả khi vẫn còn tác dụng. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến lượng rác thải điện tử ngày càng gia tăng.

Vì thế, không gì giúp xử lý rác thải điện tử hiệu quả bằng việc tiết giảm mua mới các thiết bị này, nhất là khi những tính năng cơ bản của chúng vẫn còn sử dụng được. Bạn thử xem xét mình và gia đình có thực sự đang rất cần thay đổi hay nâng cấp thiết bị này không, trước khi thải bỏ và mua mới.

Tái sử dụng những thiết bị điện tử vẫn còn hữu ích.

Người dùng có thể kéo dài tuổi thọ của thiết bị bằng cách sử dụng cẩn thận và có ý thức bảo vệ hơn là suy nghĩ “cũ thì bỏ”. Có thể sử dụng các phụ kiện hỗ trợ như: Vỏ máy, miếng dán,… giúp chúng được dùng lâu hơn. Một vài người cũng có thói quen nâng cấp thiết bị, tạo ra các diện mạo và phiên bản mới cho đồ dùng của mình để tăng thêm sự yêu thích và giữ nó lâu hơn. Bên cạnh đó, việc cho, tặng, bán lại các thiết bị điện tử cũ cho những người khác cũng xem như một cách tái sử dụng, mang lại cho các công cụ này thêm một vòng đời mới. Ví dụ như: Nhượng lại thiết bị cho người nhà, người thân quen, hay tặng, bán trên một số trang trực tuyến uy tín.

Ngoài ra, trên thế giới phổ biến cách thức nhập khẩu rác thải điện tử vào các nước nghèo, chậm phát triển cũng là một cách tái sử dụng mang lại nhiều lợi ích. Một mặt, góp phần giảm tải lượng rác công nghệ đã lạc hậu tại các nước phát triển. Mặt khác, giúp đáp ứng nhu cầu thiết bị tối thiểu cho các nước đang phát triển, vốn đang rất thiếu thiết bị công nghệ hiện đại.

Tái chế lại rác thải điện tử bằng những cách thức phù hợp.

Sau các bước tiết giảm nhu cầu và tái sử dụng lại máy móc thiết bị, phần nào đã giúp hạn chế lượng rác ra môi trường, bước quan trọng nhất cần thực hiện là tái chế lại chất thải điện tử. Việc làm này sẽ giúp xử lý phần lớn rác thải công nghệ này, giúp giảm khí thải có hại, thu hồi nhiều kim loại quý. Cách thức thu gom và công nghệ tái chế sẽ khác nhau ở mỗi quốc gia. Người tiêu dùng nên tuân theo các quy định và hợp tác với cơ quan ban ngành để xử lý phù hợp. Hiện nay ở Việt Nam đã có các phong trào hoặc các hội nhóm, công ty tái chế thường xuyên tổ chức thu gom và xử lý rác thải điện tử một cách an toàn và hiệu quả nhất. Người dùng có thể liên hệ các cơ sở xử lý rác thải điện tử chuyên nghiệp để tái chế chúng.

Ngoài các cách trên thì việc giáo dục kiến thức về rác thải điện tử, hiểu về thành phần cấu tạo bên trong cùng tác hại của chúng đối với hệ sinh thái cho người dân cũng như giới trẻ là điều cần làm. Từ đó, sẽ giúp hạn chế việc gia tăng rác thải điện tử không ngừng trong khi việc tái chế vẫn còn chưa thực sự triệt để. Nếu không, lượng rác thải phải mất cả triệu năm để phân hủy cùng với các chất độc hại bên trong sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ cho chúng ta mà còn nhiều thế hệ sau.

rac-thai-dien-tu-la-gi-cach-xu-ly-rac-thai-dien-tu-hieu-qua1.jpg

2. Tổng kết.

Như vậy, bài viết trên vừa chia sẻ về rác thải điện tử là gì? Cách xử lý rác thải điện tử hiệu quả, cùng các tác hại của chúng đối với môi trường, sức khỏe con người và lợi ích kinh tế. Việc nắm được những thông tin này sẽ giúp gia tăng nhận thức, hạn chế phát tán loại rác này ra môi trường, cũng như hỗ trợ cho các nhà máy đủ năng suất tái chế lượng chất thải đang còn tồn đọng. Nếu quan tâm về chủ đề này, doanh nghiệp có thể tham gia Triển lãm Quốc tế về Công nghệ xử lý và Tái chế chất thải do RX Tradex tổ chức để cập nhật các xu hướng, công nghệ xanh mới nhất, góp phần xây dựng nền công nghiệp xanh tuần hoàn, bền vững. Thêm vào đó là các Triển lãm Quốc tế hàng đầu khu vực khác như: Vietnam Manufacturing Expo, METALEX VietnamNEPCON Vietnam dành cho cộng đồng chuyên ngành.

Ghi chú:

[1] Số lượng rác thải điện tử ước tính năm 2021.

[2] Số lượng rác thải điện tử 2019 và tỉ lệ tái chế.