WRV – Waste and Recycling Expo Việt Nam

Thực trạng công nghệ xử lý nước thải tại Việt Nam hiện nay

Thực trạng công nghệ xử lý nước thải tại Việt Nam hiện nay

Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam ngày càng tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Điều này đã tạo ra thách thức lớn trong việc xử lý nước thải khi mà nước ta có hơn 800 đô thị nhưng hệ thống kỹ thuật hạ tầng cũng như cấp thoát nước còn rất hạn chế. [1] Từ đó dẫn tới hầu hết nước thải chưa qua xử lý được đổ thẳng ra môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Trong bài viết sau đây, RX Tradex tổng hợp các thông tin về “Thực trạng công nghệ xử lý nước thải ở Việt Nam hiện nay”, giúp doanh nghiệp có góc nhìn toàn diện và cụ thể hơn về vấn đề này, từ đó đề ra các chiến lược phát triển phù hợp hướng đến nền công nghiệp xanh bền vững.

1. Tình hình xử lý nước thải tại Việt Nam hiện nay.

Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 63 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đang vận hành, tổng công suất thiết kế trên 1,34 triệu m3/ngày đêm, nhưng tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 15%. [2]

Hà Nội có 6 nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động. Tuy nhiên các nhà máy này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hàng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả vào các hệ thống thoát nước, sông ngòi, ao hồ, kênh rạch,… UBND Hà Nội cũng thừa nhận thực trạng công nghệ xử lý nước thải ở Việt Nam về tiến độ thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải vẫn còn kéo dài, việc thực hiện quy hoạch thoát nước của TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn nhiều khó khăn. Các công trình đầu mối, hạng mục ưu tiên đầu tư nhưng chưa được triển khai do vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước rất lớn, việc kêu gọi xã hội hóa gặp nhiều khó khăn. [1]

Trong khi đó, xử lý nước thải đô thị cũng là vấn đề nan giải của TP. Hồ Chí Minh. Báo cáo của thành phố cho biết, ước tính lượng nước thải từ đô thị khoảng 1.579.000 m3/ngày đêm, trong khi công suất từ 3 nhà máy đang vận hành chỉ xử lý được 21,2%. [1]

Nói về thực trạng xử lý nước thải sinh hoạt hiện nay, ông Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho hay: Khoảng 80-90% nước thải đô thị đang được xả thẳng ra môi trường cho thấy rằng, năng lực xử lý nước thải đang rất thấp. Tình trạng này còn tiếp diễn thì chỉ 20-30 năm nữa, con cháu chúng ta sẽ không có nước sạch để dùng. [3]

Đánh giá hoạt động quản lý nước thải đô thị ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) có đăng tin: Mặc dù 60% hộ gia đình Việt Nam đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng nhưng hầu hết là được xả thẳng ra hệ thống tiêu nước bề mặt, và chỉ có 10% được xử lý. Trong khi đó, 90% hộ gia đình xả nước thải vào bể tự hoại, chỉ 4% lượng phân bùn được xử lý. Mức thiệt hại kinh tế do vệ sinh kém ước tính là khoảng 780 triệu đô la Mỹ mỗi năm, tương đương 1,3% GDP. [1]

PGS – TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (IESE), cho biết: Việc đầu tư cũng như quản lý hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ chính sách pháp luật, nguồn vốn, công nghệ cho tới ý thức tự nguyện của người dân. Tuy nhiên ông nói thêm rằng: “Tiết kiệm năng lượng và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế trong thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải đang là một vấn đề lớn, thu hút quan tâm như một thị trường hấp dẫn. Làm chủ được vấn đề năng lượng trong thu gom, xử lý, tái sử dụng nước thải là những bước đầu tư chiến lược, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững”.

Trong những năm tới, Việt Nam có nhu cầu vốn đầu tư rất cao, dự kiến cần 8,3 tỉ đô la Mỹ để cung cấp dịch vụ thoát nước cho khoảng 36 triệu dân đô thị vào năm 2025. [1]

thuc-trang-cong-nghe-xu-ly-nuoc-thai-o-viet-nam-hien-nay1.jpg

2. Những chuyển biến tích cực trong việc xử lý nước thải tại nước ta.

Tuy còn nhiều bất cập về thực trạng công nghệ xử lý nước thải ở Việt Nam hiện nay nhưng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Năm 2019 các chỉ số môi trường đều có sự chuyển biến tích cực, cao hơn năm 2018 và đạt chỉ tiêu đề ra. 89% khu công nghiệp (KCN), chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, trong đó có 78,3% đã có có hệ thống lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, tăng 70 KCN so với năm 2018. Bên cạnh đó, tỷ lệ nước thải sinh hoạt thu gom đạt 13%, tăng 1% so với năm 2018. Tỷ lệ các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 66,4%, tăng thêm 56 địa điểm so với năm 2018. [4]

Điển hình như tại TP. HCM, tính đến tháng 5/2019, đã có 4.200/4.335 cơ sở sản xuất đã thực hiện thu gom, xử lý nước thải công nghiệp đạt chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT, chiếm tỷ lệ là 96%. Các cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải thì quy mô tương đối nhỏ, hoạt động lâu đời. [5] Đối với nước thải y tế, đến tháng 8/2019, trong tổng số 121 bệnh viện trên địa bàn hầu hết đã có hệ thống xử lý nước thải với tỷ lệ thu gom, xử lý đạt chuẩn QCVN 28: 2010/VTNMT, chiếm tỷ lệ gần 99%. Còn lại 2 đơn vị đang triển khai đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải là Bệnh viện Truyền máu Huyết học và Bệnh viện Quận Bình Tân. [6]

Cùng với đó là việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường từ Tổng cục Môi trường, kiên quyết với các hành vi vi phạm gây ô nhiễm hệ sinh thái. Đồng thời các hoạt động truyền thông nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường được lan tỏa, cũng như đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị, KCN, địa điểm sản xuất.

Thực trạng các phương pháp và công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.

Chánh văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho biết: Tính đến hết năm 2020, cả nước đang có 63 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các đô thị loại 4 trở lên đi vào vận hành với tổng công suất gần 1,34 triệu m3/ngày đêm, tăng 33 nhà máy và khoảng hơn 500.000m3/ngày đêm so với năm 2015. Phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đạt khoảng 60%, tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý tại các đô thị đạt 15%. [2] Còn tại đa số các đô thị khác ở Việt Nam chưa có nhà máy hay trạm xử lý tập trung, và cũng không có các dự án liên quan đến thoát nước và quản lý nước thải.

Công nghệ được ứng dụng tại các khu đô thị: Đối với nước thải sinh hoạt từ đô thị và các khu dân cư, hầu như sử dụng các bể tự hoại, xử lý tại chỗ. Các bể này không có ngăn lọc hiếu khí nên được gọi là bể bán tự hoại, chỉ có 4% phân bùn được xử lý gây ra tình trạng kém vệ sinh và các nguy cơ về sau khi chất ô nhiễm thấm vào đất hoặc các nguồn nước. [1] Bởi tính chất nước thải sinh hoạt có chất hữu cơ cao nên công nghệ xử lý nước thải đô thị tại các tỉnh thành này chủ yếu theo phương pháp sinh học hiếu khí bằng bùn hoạt tính hoặc hồ sinh học.

Thực trạng các phương pháp và công nghệ xử lý nước thải y tế ở Việt Nam hiện nay.

Ngành y tế là một trong những lĩnh vực tạo ra nhiều loại các nước thải thành phần khác nhau và nước ô nhiễm cần xử lý đặc biệt hơn bởi liên quan đến: Bệnh phẩm, vi trùng, thuốc và hóa chất độc hại. Một số nhóm chất thải thường có trong bệnh viện như: Chất hữu cơ và dinh dưỡng từ thức ăn, sinh hoạt của bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế, các nhóm vi sinh vật từ vi khuẩn lây nhiễm, các chất nguy hại dạng lỏng, chất phóng xạ, kháng sinh,… Khi nước thải phát sinh ở khu vực bệnh nhân nội trú, người nhà bệnh nhân, tắm giặt, nước phục vụ các khoa phòng, vệ sinh đồ vải,… được thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý.

Công nghệ được ứng dụng tại các cơ sở y tế: Tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Nhi TP. Hồ Chí Minh,  Bạch Mai, Việt – Tiệp, Uông Bí, bệnh viện Quân đội 108, bệnh viện Hai Bà Trưng, bệnh viện Hà Nội,… đều có các trạm xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học hiếu khí với bùn hoạt tính hoặc kết hợp cả với phương pháp hóa học để trung hòa hay phân hủy các hóa chất trong nước thải. Ngoài ra, các bệnh viện nước ta còn sử dụng: Công trình lọc sinh học nhỏ giọt, xử lý kỵ khí bằng bể tự hoại cải tiến có vách ngăn mỏng giúp nâng cao hiệu suất, xử lý nước thải tích hợp trong bể xử lý sinh học theo nguyên tắc AO,…

Ngoài ra, còn có các công nghệ xử lý rác thải tiên tiến thường dùng giá thể di động để vi sinh vật xử lý nước thải bám dính và sinh trưởng trên đó hoặc ứng dụng màng vi lọc (MF) hoặc siêu lọc (UF) trong bể phản ứng sinh học có màng (MBR) thay cho quá trình lắng thứ cấp và khử trùng. Một số loại công trình xử lý nước thải khác đang được ứng dụng trong bệnh viện là các bể Johkasou của Nhật Bản, bể biofast,… vật liệu composite chịu lực hoặc bể CN2000, V69,… bằng thép. [7]

Bên cạnh đó, Viện KH & CN Quốc Gia đã xây dựng và đang vận hành trạm xử lý nước thải bằng phương pháp hóa học và sinh học. Ngoài ra, có khoảng 100-150 bệnh viện (chiếm khoảng 10-15%) có trạm xử lý nước thải y tế đưa vào hoạt động. [8]

Thực trạng các phương pháp và công nghệ xử lý nước thải công nghiệp tại nước ta hiện nay.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đến nay đã có 228/283 KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 80,6%), 121 KCN đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục đạt tỉ lệ trên 42%. [8] Để ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, năm 2018, Tổng cục Môi trường đã đẩy mạnh kiểm soát các khu vực tập trung nhiều nguồn thải như khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp.

Công nghệ được ứng dụng tại các khu công nghiệp, chế xuất: Tại các khu chế xuất, KCN, các hệ thống xử lý nước thải hiện đang sử dụng các nhóm công nghệ xử lý chất thải tiềm năng như: Xử lý sinh học hiếu khí bằng vi sinh vật, xử lý sinh học bằng bùn hoạt tính thổi khí kéo dài hoặc bể lọc sinh học. Phần lớn các trạm xử lý nước thải tập trung ở các khu này đều có hồ sinh học trước bước khử trùng, nhằm xử lý bổ sung trước khi xả nước ra môi trường hoặc tái sử dụng.

3. Tổng kết.

Như vậy qua bài viết trên, RX Tradex đã chia sẻ chi tiết về thực trạng công nghệ xử lý nước thải ở Việt Nam hiện nay. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin mà doanh nghiệp cần tham khảo nhằm hiểu rõ hơn về tình hình nước thải ở Việt Nam, những thách thức và cơ hội đầu tư, phát triển các chiến lược kinh doanh trong thời gian tới. Tại Triển lãm Công nghệ xử lý và Tái chế chất thải do RX Tradex tổ chức, doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội lắng nghe các cập nhật về vấn đề này, cũng như xu hướng công nghệ xanh mới nhất trong lĩnh vực xử lý nước thải. Đồng thời có thêm các sân chơi trình diễn công nghệ khác từ Triển lãm Quốc tế hàng đầu khu vực: Vietnam Manufacturing Expo, METALEX VietnamNEPCON Vietnam trong năm 2023.

Chú thích:

[1]: Thực trạng xử lý nước thải tại Việt Nam.

[2]: Số lượng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cả nước năm 2020.

[3]: Phát biểu của Đại biểu QH về xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.

[4]: Chuyển biến tích cực về tỷ lệ xử lý nước thải.

[5]: Số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tại TP. HCM.

[6]: Hệ thống xử lý nước thải y tế tại TP. HCM.

[7]: Thực trạng hệ thống xử lý nước thải tại khu công nghiệp.

[8:] Công nghệ xử lý nước thải ở Việt Nam.