Tương lai của ngành sản xuất, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị gì?
Trong thời gian qua, ngành sản xuất tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều sự thay đổi đến từ những biến động kinh tế toàn cầu. Song song với đó, khó khăn và thách thức trong hoạt động sản xuất vẫn đang bủa vây doanh nghiệp Việt, khi mà nguồn cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, lạm phát tiền tệ và nhiều vấn đề tồn đọng vẫn chưa được giải quyết. Và để trả lời câu hỏi “Tương lai của ngành sản xuất, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị gì?”, quý doanh nghiệp có thể theo dõi bài viết sau đây của RX Tradex.
1. Tổng quan ngành sản xuất Việt Nam trong năm 2023.
Theo VnEconomy, tình hình ngành sản xuất tại Việt Nam đang gặp những thách thức rất lớn. Trong đó, đơn hàng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu giảm, tăng trưởng vẫn đang ở mức thấp do những khó khăn, thách thức chung của thế giới ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, ngành sản xuất chế biến các năm trước đây là động lực tăng trưởng kinh tế chính, nay chỉ đạt tốc độ tăng trưởng ước tính 0,37%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 vì nhu cầu thị trường thế giới suy giảm, thiếu hụt đơn hàng. [1]
Ngoài ra, đối diện với tình trạng sức mua kém ở cả trong và ngoài nước, các công ty sản xuất đã phải cắt giảm việc làm nhằm đảm bảo ngân sách hoạt động kinh doanh. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp ngành sản xuất tại Việt Nam đã phải hạ giá bán sản phẩm, tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới và thay đổi mô hình kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành trọng điểm đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể:
- Sản xuất thiết bị điện giảm 50,7%.
- Sản xuất kim loại giảm 12,2%.
- Sản xuất trang phục giảm 11,7%.
- Sản xuất hàng dệt, may giảm 11%.
- Sản xuất xe có động cơ giảm 6%.
- Sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 5,3%.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những điểm sáng tăng trưởng trong ngành sản xuất, tiêu biểu như:
- Sản xuất đồ uống tăng 32,4%.
- Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 20%.
- Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 6,1%.
- Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6%.
- Khai thác quặng kim loại tăng 4,2%. [2]
2. Dự đoán tương lai ngành sản xuất Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia dự báo, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ 4.0, sẽ làm thay đổi lợi thế cạnh tranh về vốn của Việt Nam, tạo ra động lực tăng trưởng cho ngành sản xuất. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng. vì vậy, để ngành sản xuất vươn lên phát triển, doanh nghiệp Việt cần có cách tiếp cận mang tính đột phá trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, dồn trọng tâm vào công tác phát triển nền sản xuất thông minh dựa trên nền tảng của việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Còn theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài Chính, Việt Nam đang tiếp tục chuyển đổi sang các ngành công nghiệp có giá trị cao. Trong đó, các doanh nghiệp đang chú trọng nâng cao công nghệ và đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, dịch chuyển sang mô hình xanh bền vững nhằm thích ứng với nhu cầu từ thị trường trên thế giới. [3] Ngoài ra, các cấp Chính phủ sẽ tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, dần khôi phục ngành sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường, hỗ trợ tài chính, đặc biệt là vấn đề vốn vay, thuế.
3. Những điều doanh nghiệp ngành sản xuất cần chuẩn bị trong tương lai.
3.1. Hướng đến sản xuất bền vững.
Đây là xu hướng cần được doanh nghiệp tập trung đầu tư trong thời gian sắp tới. Hướng đến sản xuất bền vững là việc doanh nghiệp kiểm soát các nguồn nguyên liệu và đầu ra để đảm bảo nhà máy luôn hoạt động trong điều kiện tốt nhất. Ngoài ra, sản xuất bền vững còn hướng đến sự tích hợp các vấn đề như: Thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất và quản lý luồng chất thải ra môi trường.
Đồng thời trong những năm vừa qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định bảo vệ môi trường như CPTPP đã khiến việc sản xuất hàng hóa xanh bền vững trở thành một trong những tiêu chí quan trọng hơn bao giờ hết.
3.2. Tập trung vào việc phát triển và đào tạo nguồn nhân lực trong sản xuất.
Với tốc độ phát triển về khoa học, kỹ thuật đột phá như hiện nay, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất là một điều tất yếu để cải thiện quy trình làm việc. Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất cần nguồn nhân lực phù hợp, có thể sử dụng hiệu quả những máy móc, thiết bị hiện đại.
Từ đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị thật tốt công tác đào tạo nhân sự, với mục đích nâng cao năng lực, tăng cường kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất. Trong tương lai dài hạn, điều này sẽ giúp nhân viên phát triển khả năng đủ để đảm nhận các vai trò quan trọng, không bị phụ thuộc vào công nghệ, nguồn lực bên ngoài.
3.3. Cải tiến công nghệ sản xuất.
Đứng trước sự biến động của nền kinh tế toàn cầu, để có thể vững bước phát triển trong tương lai, doanh nghiệp cần phải áp dụng những công nghệ hiện đại vào sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp chuẩn bị các hoạt động để cải tiến bao gồm: Thay thế máy móc/linh kiện sản xuất, lên kế hoạch cho từng giai đoạn đổi mới quy trình,…
Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi bản thân doanh nghiệp cần có nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện. Đổi lại, việc chuẩn bị bài bản cho một chiến lược cải tiến hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp phát triển đột phá, xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững trong tương lai.
3.4. Chuẩn bị đầu ra tại các thị trường mới.
Bên cạnh những thị trường lớn như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản,… thì các khu vực tiềm năng khác là: Châu Phi, Đông Nam Á, Trung Đông,… cũng hứa hẹn đem đến nhiều tiềm năng phát triển cho ngành sản xuất Việt Nam. Đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế Châu Âu đang bị khủng hoảng nghiêm trọng như hiện tại, doanh nghiệp Việt bị cắt giảm đơn hàng xuất khẩu có thể tìm kiếm cơ hội tại các nước đang phát triển khác nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Ngoài ra, Chính phủ cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu hàng hóa ra thị trường toàn cầu. Bằng việc ký kết nhiều hiệp định thương mại quốc tế trong những năm gần đây, ngành sản xuất Việt Nam có lợi thế rất lớn từ những ưu đãi về thuế, chính sách hợp tác, phát triển.
3.5. Chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất.
Hiện nay, chuyển đổi số đang giúp thay đổi cách thức vận hành của doanh nghiệp, cải tiến mô hình kinh doanh và đem đến những hiệu quả cao hơn về chất lượng, tiến độ, và chi phí sản xuất. Nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp,… đã áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất và đã gặt hái được nhiều thành công vang dội.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa nhiều doanh nghiệp ngành sản xuất thực hiện chuyển đổi số trong quy trình làm việc. Vì vậy, đây là một trong những điều doanh nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh trong tương lai, bắt đầu đưa các giải pháp công nghệ vào hoạt động sản xuất, bao gồm: Tự động hóa, Internet vạn vật, công nghệ AI,…
2. Tổng kết.
Trên đây là bài viết của RX Tradex về “Tương lai của ngành sản xuất, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị gì?”. Hy vọng qua bài viết này, doanh nghiệp đã tìm kiếm được phương hướng phát triển chiến lược trong tương lai. Và trong năm nay, quý doanh nghiệp mong muốn tìm hiểu thêm về các phương pháp sản xuất mới nhất, có thể tham gia ngay Triển lãm Quốc tế Vietnam Manufacturing Expo do công ty RX Tradex Vietnam tổ chức, với sự góp mặt của hàng trăm thương hiệu hàng đầu. Ngoài ra cũng trong năm 2023, RX Tradex còn tổ chức những sự kiện triển lãm khác như: NEPCON Vietnam, METALEX Vietnam và Waste and Recycling Vietnam.
Chú thích:
[1]: VnEconomy.