Xu hướng ngành sản xuất tại Việt Nam và dự báo tăng tốc
Trong nhiều năm trở lại đây, sản xuất luôn được xem là ngành mũi nhọn trọng điểm, mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đi cùng với việc hòa nhập vào thị trường toàn cầu, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh từ nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Điều này khiến doanh nghiệp cần phải liên tục đổi mới và cải tiến hoạt động để bắt kịp các xu hướng sản xuất chung của thị trường. Vì vậy, trong bài viết hôm nay, doanh nghiệp hãy cùng RX Tradex tìm hiểu về xu hướng ngành sản xuất và dự báo tăng tốc tại Việt Nam năm 2023, từ đó lựa chọn được hướng đi phát triển bền vững trong tương lai.
1. Tổng quan ngành sản xuất Việt Nam 2023.
Theo VnEconomy, trong quý 1/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết các nhóm hàng ngành sản xuất chủ lực như: Điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, gỗ,… đều giảm mạnh. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 đạt 28,92 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong thời gian tới, sức mua vẫn hồi phục chậm, các ngành sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. [1]
Còn theo Tạp chí Kinh tế và Dự Báo, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2023 giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. [2] Vì vậy, để ngành công nghiệp sản xuất trong năm 2023 tiếp tục tăng trưởng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn bằng nhiều biện pháp như: Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, kích cầu tiêu thụ trong nước,…
Ngoài ra, mức độ cạnh tranh trong sản xuất cũng tăng cao khi Việt Nam bước đầu gia nhập thị trường kinh tế toàn cầu. Điều này khiến doanh nghiệp phải trực tiếp cạnh tranh sản phẩm với nhiều quốc gia phát triển, trong đó có: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ,… Vì vậy, để tìm kiếm cơ hội phát triển, các công ty sản xuất cần tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến các khu vực tiềm năng như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu,…
2. Những tín hiệu tích cực của ngành sản xuất Việt Nam trong năm 2023.
Theo kết quả khảo sát 6.500 doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê trong cuối năm 2022, các ngành sản xuất như: Thuốc, hóa dược, dược liệu,… có tỷ lệ nhận đơn đặt hàng mới tăng 47,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, ngành sản xuất xe có động cơ nhận số lượng đơn đặt hàng mới tăng 30,2% [3].
Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất đang phát triển tốt trong thời điểm hiện tại là nhờ chính sách điều hành kịp thời và linh hoạt của Chính phủ. Trong đó, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu xây dựng được điều chỉnh ổn định hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, sau khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), ngành sản xuất được kỳ vọng sẽ mở ra một thị trường tiêu dùng lớn hơn, mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp phát triển.
Còn theo Báo Đầu Tư, bốn nhóm ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam bao gồm: Cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm, hóa dược – cao su cũng dần được hồi phục và phát triển mạnh mẽ hơn trong năm nay, cụ thể:
- Ngành cao su: Sản lượng thành phẩm từ cao su và plastic đang dần khôi phục. Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đối tác từ đầu năm 2023, tăng mạnh đơn hàng phân phối trong nước và xuất khẩu.
- Ngành hóa dược: Hầu hết các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất thuốc hóa dược đều đẩy mạnh sản xuất trong năm nay, khối lượng sản phẩm tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chuyên gia dự báo, ngành sản xuất hóa dược sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
- Ngành chế biến thực phẩm: Nhu cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục tăng, thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất thực phẩm, đồ uống. Từ đó, doanh nghiệp cần tập trung mở rộng đầu tư dây chuyền nhà máy để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng rất lớn hiện nay.
- Ngành cơ khí: Hoạt động sản xuất cơ khí đang có xu hướng phục hồi. Cụ thể, sự phát triển này đến từ đóng góp rất lớn của ngành sản xuất phương tiện vận tải, với sản lượng quý I/2023 ước tính tăng 20,5%. [4]
3. Dự báo các xu hướng ngành sản xuất sẽ tăng tốc phát triển trong năm 2023.
3.1. Xu hướng tự động hóa trong sản xuất.
Tự động hóa đã và đang được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt phải kể đến sản xuất công nghiệp. Tại Việt Nam, các hệ thống dây chuyền robot tự điều khiển đang được phổ biến trong nền công nghiệp sản xuất, thay thế một phần hoặc hoàn toàn các công việc do con người đảm nhiệm. Trong đó, các lĩnh vực tiên phong, đi đầu trong việc ứng dụng xu hướng kinh doanh sản xuất này là: Cơ khí, y tế, nông nghiệp, điện, điện tử, ô tô, tàu thủy,… Cùng với việc chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển trên thế giới, doanh nghiệp Việt có thể đẩy mạnh công nghệ tự động hóa vào dây chuyền sản xuất, trở thành xu hướng đầy tiềm năng trong tương lai.
3.2. Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất.
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu trong lĩnh vực sản xuất hiện nay. Tại Việt Nam, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số trong quy trình sản xuất diễn ra với lộ trình khác nhau, tùy theo ngành nghề hoặc lĩnh vực kinh doanh. Nhìn chung, doanh nghiệp Việt đang ứng dụng các công nghệ phổ biến như: Điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big data), internet vạn vật (IOT),…
Việc ứng dụng xu hướng này trong hoạt động sản xuất giúp doanh nghiệp hướng tới mục tiêu tối ưu hóa bộ máy quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chí thị trường. Theo nhiều chuyên gia đánh giá, xu hướng sản xuất này sẽ là bệ phóng để doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong tương lai.
3.3. Xu hướng sản xuất lấy khách hàng làm trọng tâm.
Xu hướng kinh doanh sản xuất lấy khách hàng làm trọng tâm là việc tập trung vào sản phẩm phù hợp với nhu cầu trên thị trường, mang đến chất lượng tốt nhất khi tới tay người tiêu dùng. Đây là xu hướng thường được doanh nghiệp ứng dụng với các công đoạn như: Tìm hiểu nhu cầu khách hàng, tùy chỉnh sản phẩm, tạo quy trình sản xuất linh hoạt,… Từ đó, doanh nghiệp có thể cải tiến liên tục sản phẩm và tạo trải nghiệm tích cực cho khách hàng.
Trong thực tế, lấy khách hàng làm trung tâm là xu hướng sản xuất tập trung vào sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Đây được dự báo là xu hướng thiết yếu, cần được doanh nghiệp Việt chú trọng không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà còn đối với cả hoạt động kinh doanh, nhất là trong thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
3.4. Xu hướng sản xuất tiết kiệm chi phí.
Chi phí sản xuất là một trong những yếu tố lớn nhất quyết định giá thành sản phẩm, đồng thời trực tiếp ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khốc liệt như hiện nay, các doanh nghiệp cần phải tìm kiếm những phương án tiết kiệm chi phí, đảm bảo lợi thế cạnh tranh về giá. Tại Việt Nam, xu hướng này thường bao gồm các hoạt động như: Tối ưu hóa quy trình sản xuất, tái chế, tái sử dụng, quản lý chi phí đầu tư nhà máy,…
Xu hướng sản xuất tiết kiệm chi phí giúp doanh nghiệp có thể tối ưu hóa nguồn lực trong hoạt động kinh doanh, quản lý và cải thiện chuỗi cung ứng. Trong tương lai, đây được xem là xu hướng sản xuất trọng tâm, đặc biệt phù hợp với những doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam (chiếm tỷ trọng lớn) vì cần đảm bảo nguồn vốn để duy trì hoạt động hay phát triển.
4. Tổng kết.
Trên đây là bài viết về các xu hướng ngành sản xuất tại Việt Nam được dự báo tăng tốc trong năm 2023. Hy vọng thông qua bài viết này, doanh nghiệp có thể tìm ra những phương án cải thiện quy trình sản xuất, bắt kịp xu hướng chung trên thị trường kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, quý doanh nghiệp đang quan tâm đến các công nghệ cũng như xu hướng công nghiệp mới nhất có thể tham gia ngay các Triển lãm được RX Tradex Vietnam tổ chức trong năm 2023 là: NEPCON Vietnam, METALEX Vietnam, Vietnam Manufacturing Expo và Waste and Recycling Vietnam.
Chú thích:
[1]: Xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực sụt giảm mạnh
[2]: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 năm 2023