What is in a high-tech electronics factory?
Trong lĩnh vực điện tử, nhà máy sản xuất được áp dụng các công nghệ cao luôn là một trong những yếu tố chính, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó, để doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh thị trường thiết bị điện tử đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc phải đầu tư vào các dây chuyền, máy móc thiết bị hiện đại cho nhà máy sản xuất là điều tất yếu. Và để giúp doanh nghiệp tìm hiểu sâu hơn về vấn đề có gì trong nhà máy sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, hãy cùng RX Tradex tham khảo bài viết dưới đây.
1. Có gì trong nhà máy sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao hiện nay.
1.1. Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử hiện đại.
Đối với một nhà máy sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, hầu hết những khâu vận hành, lắp ráp và chế tạo đều được triển khai trên các dây chuyền hiện đại, với công suất lớn, hiệu quả làm việc cao. Tại Việt Nam hiện nay, đa số nhà máy đều đã sử dụng hệ thống sản xuất tự động. Trong đó, các doanh nghiệp FDI như Samsung, LG là những đơn vị tiên phong đi đầu cho việc đầu tư, ứng dụng loại dây chuyền sản xuất tự động này.
Theo thông tin được chính nhà máy công nghệ cao Samsung Electronics Việt Nam (SEV) cung cấp, bộ phận tự động hóa mỗi năm hoàn thành hàng trăm dự án, lắp đặt hàng trăm máy móc bao gồm: Rô-bốt, AGV, LCiA,… vào dây chuyền sản xuất. Tính riêng năm 2022, dây chuyền sản xuất tự động đã giúp đơn vị này tiết kiệm khoảng 11 triệu USD. [1]
Bên cạnh đó, tập đoàn viễn thông hàng đầu Việt Nam là Viettel cũng đã đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử hiện đại trong nhà máy. Theo báo Dân Việt, dây chuyền của Viettel được đánh giá là hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, có khả năng sản xuất nhiều chủng loại sản phẩm điện tử khác nhau như: Điện thoại di động, máy tính bảng, thiết bị hạ tầng mạng, thiết bị thông tin quân sự,… Với tổng giá trị đầu tư trên 200 tỷ đồng, dây chuyền này dự kiến sẽ giảm thiểu chi phí sản xuất và nâng cao năng suất làm việc của nhà máy. [2]
Qua đó cho thấy, dây chuyền lắp ráp, chế tạo hiện đại, được tích hợp các giải pháp tiên tiến trên thế giới luôn là một phần tất yếu trong quy trình vận hành nhà máy sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao hiện nay.
1.2. Trang thiết bị, máy móc tiên tiến hàng đầu.
Trong hoạt động sản xuất thiết bị điện tử, máy móc và thiết bị công nghệ cao đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao năng suất vận hành nhà máy. Trong thực tế, một số lĩnh vực như: Gia công, lắp ráp linh kiện, sản xuất chip bán dẫn,… sẽ yêu cầu những loại máy móc đặc biệt để sản xuất. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ cần sự hỗ trợ từ thiết bị hiện đại để thực hiện các công đoạn trong sản xuất, bao gồm: Kiểm tra mạch in, thiết kế linh kiện điện tử, chế tạo mẫu điện thoại, hàn, cắt,…
Hiện nay, các máy móc tiên tiến đang được ứng dụng trong nhà máy sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao có thể kể đến là:
- Robot hàn.
- Máy kiểm tra chất lượng tự động.
- Máy cắt laser và CNC.
- Máy dán và gắn bề mặt tự động.
- Máy ép và hàn chân linh kiện.
- Máy tạo vi mạch.
- …
Tại Việt Nam, nhà máy sản xuất điện thoại công nghệ cao VinSmart đã ứng dụng các loại máy móc mới nhất trong lĩnh vực SMT (Sản xuất bảng mạch điện tử). Từ đó, quy trình vận hành nhà máy luôn hoạt động với độ chính xác cao nhất, sản phẩm làm ra có độ ổn định và tỷ lệ lỗi được hạn chế đến mức thấp nhất. Một số máy móc, thiết bị hiện đại được VinSmart sử dụng trong nhà máy bao gồm: Máy gắn chip của ASM Siplace từ Đức, máy in kem hàn của hãng Speedline của Mỹ, các máy kiểm tra quang học tự động của hãng Kohyoung xuất xứ từ Hàn Quốc,… [3]
1.3. Các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử.
Hiện nay, khi thế giới càng phụ thuộc vào quy trình sản xuất tự động hóa thì các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử càng cần được doanh nghiệp đầu tư, triển khai ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào hoạt động gia công, chế tạo và lắp ráp. Đồng thời, với sự phát triển thần tốc của khoa học, kỹ thuật trong thời đại 4.0 như hiện nay, các đơn vị sản xuất cũng cần phải nắm bắt những thay đổi của xu hướng công nghệ, từ đó nâng cao hiệu suất nhà máy cũng như cải thiện năng lực cạnh tranh. Một số công nghệ 4.0 tiêu biểu, được ứng dụng trong nhà máy sản xuất hiện nay có thể kể đến là:
- In 3D.
- Robot cộng tác hay cobot (Collaborate robot).
- Trí tuệ nhân tạo AI.
- Điện toán đám mây.
- Điện toán biên.
- Thực tế ảo VR.
- …
Theo báo Nhân Dân, thời gian gần đây, các sản phẩm công nghiệp trong lĩnh vực: Điện tử, cơ điện tử, linh phụ kiện điện tử,… có sự phát triển đột phá, tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế nước nhà. Có thể nói, đây là kết quả của việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất. Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, nhất là các đơn vị có vốn đầu tư FDI, đã có sản lượng hàng chục triệu sản phẩm, doanh thu hàng trăm triệu USD/năm, nhờ áp dụng mạnh mẽ công nghệ: Tự động hóa, sử dụng kỹ thuật rô-bốt, phần mềm thiết kế, điều khiển chuyên dụng,… vào trong nhà máy sản xuất thiết bị điện tử. [4]
1.4. Nhân viên và chuyên gia vận hành.
Nhân viên và chuyên gia vận hành trong nhà máy là bộ phận chịu trách nhiệm đảm bảo các loại máy móc, thiết bị hoạt động ổn định, giữ cho quá trình sản xuất không bị gián đoạn hoặc ảnh hưởng bởi các sự cố bất ngờ. Đặc biệt, trong những nhà máy sản xuất thiết bị điện tử hiện đại, doanh nghiệp cần đào tạo và tuyển dụng đội ngũ kỹ sư có tay nghề cao, am hiểu về các thiết bị, máy móc áp dụng công nghệ tiên tiến để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong khâu vận hành. Đây được xem là bộ phận không thể thiếu trong nhà máy, trực tiếp theo dõi và kiểm soát mọi hoạt động sản xuất của công ty.
Và với vai trò quan trọng như vậy, các tập đoàn, doanh nghiệp điện tử cũng liên tục đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên gia vận hành nhà máy, với mục tiêu tăng cường nhân sự tay nghề cao, đảm bảo kiểm soát tốt quy trình sản xuất. Tại Việt Nam, nước ta cũng đang tập trung vào việc đào tạo nhân lực cho khâu vận hành nhà máy, quản lý quy trình sản xuất thiết bị điện tử, tiêu biểu là sự ra đời của Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế đầu tiên tại Việt Nam (IETC). Đây là đơn vị có nhiệm vụ đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế International Process Control (IPC), được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Trong đó, IETC sẽ tổ chức các chương trình đào tạo quản lý, vận hành nhà máy sản xuất điện tử, vi mạch. Người học bao gồm: Kỹ sư làm việc tại doanh nghiệp, cử nhân, doanh nhân, người khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch,… [5]
2. Tổng kết.
Hy vọng bài viết về có gì trong nhà máy sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao hiện nay trên đây đã giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vai trò của con người, máy móc và thiết bị được ứng dụng trong các nhà máy sản xuất công nghệ cao hiện nay. Đặc biệt trong năm nay, doanh nghiệp mong muốn tìm hiểu thêm về các công nghệ, thiết bị điện tử mới nhất, có thể tham gia ngay Triển lãm Quốc tế NEPCON Vietnam do công ty RX Tradex Vietnam tổ chức. Ngoài ra cũng trong năm 2023, RX Tradex còn tổ chức những sự kiện triển lãm hàng đầu khu vực như: Vietnam Manufacturing Expo, METALEX Vietnam và Waste and Recycling Vietnam.
Chú thích:
[1]: Đội ngũ tiên phong trong việc xây dựng và vận hành nhà máy thông minh tại Samsung.
[2]: Viettel vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông.
[3]: Vingroup sản xuất Vsmart bằng những máy móc tân tiến nào?
[4]: Áp dụng công nghệ mới, hiện đại trong sản xuất công nghiệp.
[5]: Ra mắt và vận hành Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.